Giữa tháng 12/2018, tại một hội nghị về bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã công bố, có đến 31% người Trung Quốc mua nhà đất tại TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2018 do CBRE cung cấp. Trong khi đó, lượng khách hàng trong nước mua bất động sản tại TPHCM chỉ chiếm 24%.
Nhiều người tỏ ra quan ngại trước việc người Trung Quốc có tỉ lệ mua nhà đất khá cao tại TPHCM và con số này đang tăng lên trong vài năm trở lại đây.
Nhiều khu đất “vàng” ở trung tâm TPHCM đã bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “thâu tóm”
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, số liệu 31% người Trung Quốc mua nhà đất tại TPHCM chỉ là thông tin phân tích từ số liệu nội bộ của CBRE. Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều đơn vị đang cung cấp các sản phẩm bất động sản ra thị trường.
“Dù là số liệu của một đơn vị nhưng chúng ta cũng thấy rằng xu thế người Trung Quốc mua nhà đất tại TPHCM đang tăng lên. Thực chất, 31% chỉ là số người Trung Quốc nội địa mua thôi, nếu tính cả người Trung Quốc – Hồng Kông thì con số này tại CBRE là 41%”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, CBRE là đơn vị chuyên cung cấp các dòng sản phẩm cao cấp, trung cao cấp nên người mua chủ yếu là những người có tiền hoặc người nước ngoài. Mỗi năm, đơn vị này cũng chỉ cung cấp ra thị trường khoảng vài ngàn căn hộ cao cấp và trung cao cấp trong tổng số vài chục ngàn căn hộ trên thị trường.
“Trong số liệu cung cấp của CBRE có chi tiết nhiều người Trung Quốc chưa vào Việt Nam nhưng đã mua nhà tại nước ta là không chính xác bởi việc này là trái pháp luật. Họ không thể mua nhà khi chưa nhập cảnh vào Việt Nam”, ông Châu chia sẻ.
Cũng theo ông Châu, hiện nay, điều đáng lo ngại nhất chính là việc người Trung Quốc nhờ người Việt Nam đứng tên nhà đất, bởi nếu người Việt đứng tên sở hữu bất động sản thì mua bao nhiêu nhà đất cũng được, miễn là nằm ngoài khu bảo vệ quốc phòng an ninh. Chính vì vậy, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên sở hữu bất động sản.
Người Trung Quốc chủ yếu mua nhà đất ở phân khúc cao cấp, trung cao cấp và không mua nhà ở thương mại giá rẻ.
Một số chuyên gia trong ngành bất động sản tại TPHCM cũng nhận định, hiện nay rất khó có thể biết được số lượng chính xác người nước ngoài mua nhà ra sao, bởi người nước ngoài đang sở hữu nhà đất bằng nhiều cách khác nhau, trong đó nhờ người Việt đứng tên hộ là chủ yếu. Người nước ngoài rất ít khi đứng ra mua trực tiếp.
Như vậy, việc người Việt Nam đứng tên sở hữu bất động sản thì không thể coi là người nước ngoài mua bất động sản đó.
Cũng theo các chuyên gia bất động sản, hiện nay, trong một dự án thì người nước ngoài được sở hữu tối đa 20% căn hộ. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế thì thấp hơn con số này rất nhiều.
Đại Việt