Fica
  1. Bất động sản

Người dân Lý Sơn ồ ạt bán đất ven biển

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong thời gian gần đây, xảy ra tình trạng nhiều người dân ở các thôn, xóm ven biển huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) ồ ạt bán đất. Qua nhiều đợt, giá đất được đẩy lên cao. Tình trạng bán, chuyển nhượng đất ở đảo Lý Sơn đặt ra nhiều vấn đề và hệ lụy lâu dài khó kiểm soát được về công tác quy hoạch.

Người dân Lý Sơn ồ ạt bán đất ven biển - 1

Giá đất mặt tiền ven biển huyện Lý Sơn có giá từ 3-7 tỷ đồng/mảnh.

Bán đất bằng mọi giá

Những ngày qua, bà Ngô Thị Đạo ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn chạy vạy, nhờ các mối quen biết giới thiệu để bán đất. Gần 200 m2 đất của gia đình bà giáp tuyến đường cơ động, mặt tiền hướng biển có vị trí đắc địa. Nếu như hai năm trước, mảnh đất của bà có giá từ 2 đến 2,5 tỷ đồng thì nay giá đất tăng gấp nhiều lần. Đón đầu nhu cầu mua đất trên đảo, bà dự tính giá bán sáu tỷ đồng để chia cho con và di dời đến nơi khác.

“Đất giờ được giá thì bán chứ. Tui bán chia cho năm đứa con. Kiểu gì cũng bán nhưng mình cố gắng nhờ người, tìm mối bán giá cao chứ không qua “cò” họ ăn hết. Bán đất mặt tiền gần biển tui đi nơi khác ở” - bà Đạo tính toán.

Đảo Lý Sơn đang vào vụ hành mới. Nhiều ruộng hành bắt đầu xuống giống nhưng tới nay ông Trần Văn Phương ở thôn Đông, xã An Vĩnh vẫn chưa làm xong nền đất để gieo trồng. Cả tháng nay, ông loay hoay bàn bạc với gia đình bán đất chia nhà cho con. Vợ chồng ông có 400 m2 đất gần tuyến đường cơ động, mặt tiền hướng ra biển.

Giá đất trên đảo tăng cao hơn năm qua, nhà ở khu vực đắc địa nên ông Phương tìm người bán đất. 400 m2 của gia đình ông kêu giá bán 5,6 tỷ để chia cho con và chuyển đi nơi khác.

“Nhà trong xóm tui người ta bán gần hết rồi. 80 m2 họ bán 1,2 tỷ nên mình cứ tính lên như thế thôi. Ngày xưa ai mà nghĩ đất lên giá như vậy. Mình tranh thủ bán cho con mỗi đứa một ít. Còn vợ chồng già thì kiếm chỗ rẻ mua ở” - ông Phương giải thích.

Hơn hai năm qua, giá đất ở trên huyện đảo Lý Sơn tăng đột biến. Dọc tuyến đường ven biển đảo Lý Sơn nối hai xã An Vĩnh, An Hải giá đất tăng gấp nhiều lần. Nhiều năm trước, 200 m2 đất mức giá dao động từ 1 đến 2,5 tỷ thì hiện giá giao dịch 5 đến 6 tỷ đồng. Mặc dù thị trường bất động sản nhiều nơi hạ nhiệt, giảm giá nhưng tại huyện đảo Lý Sơn, giá giao dịch mua bán không giảm theo. Do giá đất cao nên người dân trên đảo Lý Sơn tìm mọi cách bán ở ngưỡng thỏa thuận cao nhất.

“Người ở nơi khác tới mua rất nhiều. Họ bảo mua để mở dịch vụ kinh doanh, du lịch. Ở đây dân bán đất nhiều lắm” - một cán bộ xã An Hải cho biết.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch, hiện trạng đất đai

Trong hai năm 2017-2018, Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) chi nhánh Lý Sơn đã giải quyết 1.933 hồ sơ về cấp mới Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tặng cho, chuyển mục đích sử dụng, tách thửa đất. Ba tháng đầu năm 2019, địa phương cũng đã giải quyết gần 150 hồ sơ chuyển nhượng, tách thửa đất ở.

Huyện Lý Sơn đã quy hoạch chi tiết 1/2000 trên diện tích 1.530 ha; trong đó quy hoạch các trục giao thông, khu dịch vụ thương mại, cảnh quan, địa chất, văn hóa… Trong khi đó, bán, chuyển nhượng đất ồ ạt diễn ra chủ yếu ở các trục đường chính, khu vực có mặt tiền hướng biển nằm trong khu quy hoạch. Thực trạng này bước đầu đã phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hiện trạng, quy hoạch đất trên đảo Lý Sơn.

Người dân Lý Sơn ồ ạt bán đất ven biển - 2

Phát triển “nóng” du lịch, nhiều nhà đầu tư mua đất xây dựng cơ sở kinh doanh đón đầu khách du lịch.

Theo báo cáo của Văn phòng ĐKĐĐ Lý Sơn, nhiều hồ sơ xin tách thửa của hộ gia đình, cá nhân chia cắt từ công trình nhà ở và các công trình phục vụ nhà ở đã xây dựng kiên cố. Bên cạnh đó, chủ hộ thửa đất lớn xin tách thành thửa nhỏ, tự mở đường đi mới để bán, chuyển nhượng với giá cao. Những phát sinh này bước đầu gây khó cho ngành quản lý, thay đổi hiện trạng sử dụng đất sở tại.

“Nhu cầu tách thửa, cắt ngang công trình đang xây dựng của người dân để bán, chuyển nhượng, tặng cho con cái hoặc bán một phần để xây dựng lại nhà ở tăng caoLý Sơn là huyện, đảo đất hẹp dân số lại đông, nhu cầu đất ở rất cao nên việc tách thửa, chừa đường tự mở của người dân 1,2 m đến 1,5 m. Những vấn đề này gây khó cho đơn vị nên tạm thời chưa tiếp nhận hồ sơ tách thửa chia cắt công trình, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân” - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng ĐKĐĐ Lý Sơn Nguyễn Thị Phước kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Dọc ven biển hơn 5 km từ xã An Vĩnh đến An Hải, nhiều công trình đã được xây dựng cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn phục vụ du lịch. Tùy theo vốn đầu tư, các cơ sở kinh doanh mức vốn khác nhau, chưa có sự định hình theo vùng, khu vực kinh doanh. Năm 2018, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã thanh tra, xử phạt hàng loạt các công trình, cơ sở thương mại dịch vụ xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, việc mua bán, chuyển nhượng đất là quyền của người dân. Chính quyền địa phương nhiều lần cảnh báo các nhà đầu tư, người dân mua đất xây dựng công trình, kinh doanh trên đảo nên thận trọng.

“Chúng tôi rất lo ngại việc bán ồ ạt, rồi người nơi khác tới mua đất xây lên kinh doanh đủ kiểu. Huyện Lý Sơn đã có quy hoạch rõ ràng, khu vực nào kinh doanh khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch, xây nhà ở đã quy định. Nếu tổ chức, cá nhân mua đất xây dựng không đúng thì kiên quyết xử lý” - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn khẳng định.

Theo Đông HuyềnNhân dân

Người dân Lý Sơn ồ ạt bán đất ven biển - 3