Theo đó, NHNN Việt Nam yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán trên địa bàn theo thẩm quyền; chủ động theo dõi, cập nhật thông tin để cảnh báo kịp thời những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ…
NHNN Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018, bảo đảm tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn hoạt động cho vay, xử lý nợ xấu cũ, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán; tín dụng đối với khách hàng, nhóm khách hàng lớn; tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản; kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay…
Theo báo cáo dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản quý IV/2017 được NHNN công bố vào tháng 3 năm nay, tổng dư nợ đến hết năm 2017 đạt 471.022 tỷ đồng.
Những lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất, đạt trên 100.000 tỷ đồng gồm: cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; cho vay kinh doanh BĐS khác đạt 112.561 tỷ đồng.
Trong một báo cáo mới đây, Cục Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đánh giá, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 8% tổng dư nợ, và vẫn ở trong ngưỡng an toàn.
Ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN luôn có những cảnh báo và chỉ đạo NHTM thẩm định lại chặt chẽ và chỉ cho vay đối với những dự án mà chủ đầu tư có năng lực về tài chính, có năng lực triển khai dự án.
Cuối năm 2017, NHNN ban hành Thông tư 19 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chỉ cho phép các TCTD được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 45% đến hết năm 2018, từ năm 2019 giảm về 40% và giữ hệ số rủi ro 200% đối với các khoản kinh doanh bất động sản.
Phương Dung