Fica
  1. Bất động sản

Một thời đình đám, Bầu Thụy bất ngờ rút khỏi đất vàng Hà Nội

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cuộc tranh chiếm đất vàng Kim Liên ghi dấu ấn nổi bật của Bầu Thụy. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, dự án tham vọng nhất của đại gia Ninh Bình vẫn giậm chân tại chỗ. Ông chủ khách sạn Kim Liên có dấu hiệu rút dần.

Cuộc tranh chiếm đất vàng Khách sạn Kim Liên năm 2015 được xem là một thương vụ thoái vốn đình đám của Nhà nước. 

Ngay sau thông tin Nhà nước bán trọn lô 52,4% cổ phần tại CTCP Du lịch Kim Liên - doanh nghiệp quản lý Khách sạn Kim Liên với 3,5ha đất vàng nằm ở vành đai 1 của Hà Nội, một loạt đại gia trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản (BĐS) cho tới du lịch, từ tổ chức cho tới các cá nhân, lần lượt xuất hiện trong danh sách đăng ký mua.

Đó là những tên tuổi lớn, khi đó đều có vốn điều lệ lên tới hàng ngàn tỷ đồng, như Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) 2.850 tỷ đồng, REE của bà Nguyễn Thị Mai Thanh 2.690 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi 1.089 tỷ đồng, Thaigroup 2.500 tỷ đồng, Tập đoàn Phúc Lộc 2.000 tỷ đồng, Đầu tư Văn Phú Invest, Tập đoàn Phú Mỹ...

Tuy nhiên, đơn vị thắng cuộc không phải là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực bất động sản hay du lịch, mà là đại gia xi măng Thaigroup - tiền thân là CTCP Xuân Thành Group của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy).

Một thời đình đám, Bầu Thụy bất ngờ rút khỏi đất vàng Hà Nội - 1


Nghị quyết miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Thụy.

Mức giá mà Thaigroup của Bầu Thụy bỏ ra để mua trọn lô 52,4% vốn KS Kim Liên (tương đương 3,65 triệu cổ phiếu) khiến nhiều người giật mình: 274.200 đồng/cp - gấp hơn 9 lần so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra (30.600 đồng/cp).

Tổng cộng, doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Thụy đã bỏ ra 1.000 tỷ đồng để giành phần thắng chung cuộc đầu giá để chính thức sở hữu khách sạn Kim Liên.

Vụ bán cổ phần cũng ghi nhận một trường hợp thành công trong việc thoái vốn của Nhà nước.

Triển vọng của khách sạn Kim Liên được đánh giá cao, sau bao năm lẹt đẹt không có hướng phát triển đi lên do yêu cầu lớn của cổ đông là chi trả cổ tức tiền mặt, làm đồng nào chia đồng nấy khiến tổ hợp Khách sạn Kim Liên nhiều năm không được tái đầu tư, nâng cấp. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, cộng với tiền thuê đất khá cao khiến hiệu quả kinh doanh ngày càng thấp. Hơn 3,5ha đất vàng nằm ở vành đai 1 của Hà Nội không được phát huy thế mạnh.

Sự xuất hiện của đại gia xi măng Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt của doanh nghiệp gắn với thương hiệu khách sạn Kim Liên lâu đời này. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra đã không như kỳ vọng của nhiều người.

Bầu Thụy rút dần khỏi dự án đất vàng

CTCP Du lịch Kim Liên vừa công bố Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niêm 2020 với nhiều thông tin quan trọng: đại hội thông qua việc không thực hiện tăng vốn điều lệ theo nghị quyết cổ đông bất thường trước đó và thống nhất miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) khỏi vị trí chủ tịch.

Trước đó, ban lãnh đạo CTCP Du lịch Kim Liên từng dự kiến tăng vốn điều lệ từ gần 70 tỷ lên 2.768 tỷ đồng (gấp 40 lần) để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án Khu phức hợp Kim Liên tại khu đất số 5-7 Đào Duy Anh (phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội), nơi khách sạn Kim Liên đang tọa lạc. Tuy nhiên, HĐQT nhận thấy việc tăng vốn là không khả thi.

 

Một thời đình đám, Bầu Thụy bất ngờ rút khỏi đất vàng Hà Nội - 2

Bầu Thụy từng nổi đình đám với thương vụ thâu tóm Khách sạn Kim Liên.

Mặc dù vậy, nghị quyết vẫn thông qua việc tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư để triển khai Dự án tổ hợp công trình thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng và khách sạn căn hộ cho thuê tại khu đất vàng nói trên. Đại hội ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm và lựa chọn đối tác; đàm phán và ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư/kinh doanh để triển khai dự án.

Trước đó, tổ hợp Kim Liên được xem là dự án tham vọng nhất của bầu Thụy với tổng vốn đầu tư lên tới trên 600 triệu USD. Đây được xem là một bước tiến mới của đại gia Ninh Bình vào thị trường bất động sản Hà Nội.

Tuy nhiên, những diễn biến trong ĐHCĐ vừa qua cho thấy, đại dự án tại khu đất vàng đang có một hướng đi mới. Động thái này có lẽ cũng đánh dấu một bước rút lui của đại gia Nguyễn Đức Thụy.

ĐHĐCĐ 2020 không chỉ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch và thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đức Thụy, mà còn phê duyệt việc miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Nguyễn Chí Kiên.

Thay cho 2 vị trí chủ chốt này là ông Phan Mạnh Hùng (SN 1978) và ông Trịnh Văn Thiệm (SN 1978). Ông Thiệm là TGĐ của Bình Minh Group - cổ đông lớn nắm 11% tại Du lịch Kim Liên là người thay thế Bầu Thụy trở thành Chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, ông Phan Mạnh Hùng là Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Kim Liên (trợ lý cho ông Nguyễn Đức Thụy).

Hiện, trong cơ cấu cổ đông của Du lịch Kim Liên, ngoài ThaiGroup của Bầu Thụy vẫn là cổ đông lớn nhất, thì Tài chính Bưu điện (PTFinance) đang nắm 6,69%. PTFinance thuộc sở hữu của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG Group. Đầu năm 2018, SeABank của bà Nga đã chi ra 710 tỷ đồng để sở hữu 100% vốn của PTFinance.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, khách sạn Kim Liên ghi nhận 102 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với năm liền trước và chỉ đạt 76% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 16 tỷ, tăng gần 80% và giúp khách sạn này bù đắp hết lỗ lũy kế.

Theo: V.Hà

Vietnamnet