Fica
  1. Bất động sản

Một năm buồn với loạt đại gia bất động sản công nghiệp

Mùa báo cáo tài chính năm 2020 khép lại, bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản có doanh thu, lợi nhuận tích cực thì nhiều "đại gia" thể hiện sự hụt hơi so với năm trước.

Một năm buồn với loạt đại gia bất động sản công nghiệp - 1

Theo Bộ Xây dựng, do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như tác động từ EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp tăng trên cả nước

Bất động sản công nghiệp là phân khúc được nhận định vô cùng tích cực và đầy triển vọng ngay trong đại dịch. 

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 4 và cả năm 2020, bất động sản khu công nghiệp là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. 

Tại quý 4/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp năm tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%.

Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại 4 tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) đạt 87,0%.

Bộ Xây dựng lý giải, do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như tác động từ EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên cả nước. Mức giá chào thuê đất của một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TPHCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm. 

Tuy nhiên, khi mùa báo cáo tài chính năm 2020 khép lại, những con số được công bố cho thấy không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng "thăng hoa" trong năm đại dịch. Bên cạnh những doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tích cực thì nhiều "đại gia" lại hụt hơi hơn so với năm trước.

BCTC mới công bố cho thấy, cả doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (Mã CK: D2D) đều ghi nhận sự sụt giảm.

Cụ thể, quý 4 doanh thu thuần của D2D đạt gần 145 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh nhưng lãi gộp cũng chỉ đạt 106 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ.

Kết quả sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế D2D đạt được là 83 tỷ đồng, giảm 36%.

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 357 tỷ đồng, giảm 53% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 268 tỷ đồng, giảm 27% so với năm ngoái.

Trong khi đó, "ông lớn" Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (BCM) dù có tổng diện tích KCN hơn 10.000 ha, chiếm 10% diện tích đất KCN cả nước, doanh thu lợi nhuận cũng "hụt hơi" hơn so với năm trước.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo BCM đã xác định dịch bệnh sẽ còn nhiều tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến hết năm 2020. Năm nay doanh thu cũng sẽ giảm do một số chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện dự án ảnh hưởng đến điều kiện xác nhận doanh thu của hợp đồng. Những hợp đồng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu trong năm 2020 sẽ được chuyển sang năm sau.

Tại BCTC mới được công bố, doanh thu năm 2020 của BCM đạt 7.921 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.148 tỷ đồng, giảm 18%.

Nợ phải trả của BCM cũng tăng nhanh. Tính đến 31/12/2020 là 31.456 tỷ đồng, tăng 3.691 tỷ đồng với con số đầu năm, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn 21.563 tỷ đồng, còn lại nợ dài hạn 9.892 tỷ đồng.

Hai "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp khác là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) và Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng có kết quả kinh doanh kém khả quan.

Tính chung cả năm 2020, doanh thu của KBC đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 37% so với năm trước. Soi cơ cấu doanh thu, mảng giảm nhiều nhất là doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản. Trong khi đó doanh thu cho thuê nhà kho, nhà xưởng và văn phòng vẫn tăng. Lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2019.

Năm 2020, KBC đưa ra mục tiêu kinh doanh được dự đoán trên cơ sở tình hình thu hút FDI vào Việt Nam. Trong 2 phương án, phương án tích cực là dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 816 tỷ đồng. Với kết quả được, có thể thấy khoảng cách đến mục tiêu đặt ra của KBC rất xa.

Theo báo cáo tài chính quý 4 vừa được công bố, doanh thu trong kỳ của ITA cũng lao dốc mạnh, chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm tới hơn 80% so với cùng kỳ.

Do giá vốn hàng bán cao, chiếm tới 97% doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số này là 112,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế công ty này âm hơn 10 tỷ đồng trong quý cuối năm

Tính chung cả năm 2020, doanh thu thuần của ITA đạt 643 tỷ đồng, giảm 52% so với năm trước.

Soi cơ cấu doanh thu của ITA, phần doanh thu giảm lớn nhất là việc cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng. Tại nguồn thu này, ITA chỉ đạt 389 tỷ đồng năm 2020, trong khi năm ngoái đạt 648 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế cả năm của ITA đạt hơn 177 tỷ đồng, giảm so con số 206 tỷ đồng năm trước. ITA cho biết nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kết quả thu hút đầu tư đạt thấp.

Theo lý giải của ban lãnh đạo ITA, lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả thu hút đầu tư đạt thấp dẫn tới lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm.

Nguyễn Khánh