Fica
  1. Bất động sản

Miễn thuế thuê đất doanh nghiệp du lịch: Lại cứu nhà giàu?

Miễn thuế thuê đất chỉ những doanh nghiệp lớn, ôm nhiều đất là được lợi. Nếu không thận trọng, chính sách sẽ chỉ để hỗ trợ cho người giàu

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn ĐBQH TP.HCM với UBND TP.HCM cùng các sở ngành, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong đợt dịch Covid-19, một số mặt bằng không hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê đất hằng năm cho nhà nước (hiện đã được giảm 15%). Vì thế, các doanh nghiệp du lịch kiến nghị miễn luôn tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong những năm khó khăn như vậy.

Miễn thuế thuê đất doanh nghiệp du lịch: Lại cứu nhà giàu? - 1

Ngành lữ hành có nguy cơ bị xóa sổ do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Ảnh: Vietnammoi

TS Hà Thanh Hải -  nguyên Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô nói thẳng, đề xuất miễn thuế đất cho doanh nghiệp du lịch là không hiệu quả.

Phân tích cụ thể, ông Hải cho hay, cơ cấu ngành du lịch gồm hai thành phần: Du lịch lữ hành và kinh doanh khách sạn, resort nghỉ dưỡng.

Trong đó, du lịch lữ hành chủ yếu là đi thuê mặt bằng, văn phòng điều hành, nên việc miễn giảm thuế đất không nhằm mục tiêu hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành trong bối cảnh dịch bệnh.

Ở lĩnh vực khách sạn, resort nghỉ dưỡng thì:  một là những khách sạn nhỏ lẻ và hai là những khu nghỉ dưỡng kết hợp với các hoạt động kinh doanh giải trí, buôn bán BĐS nghỉ dưỡng. Đối với các khách sạn nhỏ lẻ, ông Hải cũng nói ngay, chính sách trên không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn do diện tích đất của những khách sạn trong thành phố chỉ khoảng vài trăm mét vuông đất, số tiền miễn thuế thuê đất nếu có thì cũng không nhiều.

Như vậy, nếu thực hiện chính sách miễn giảm thuế thuê đất cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh  vực du lịch thì chỉ những ông lớn kinh doanh resort, ôm nhiều BĐS nghỉ dưỡng lên tới vài nghìn héc-ta mới là những người có lợi nhiều nhất.

"Điều này cũng đồng nghĩa với khả  năng, chính sách hỗ trợ là của người giàu và sẽ lại để hỗ trợ cho người giàu, chứ không phải để cứu ngành du lịch", ông Hải nói và cho rằng chính sách này sẽ gây ra những bất công bằng và phân biệt đối xử.

Theo phân tích của vị chuyên gia, ngành du lịch lữ hành mới là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. Ngay từ tháng 2 đã có tới hơn 90% doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động; doanh thu du lịch lữ hành giảm sút nghiêm trọng.

Tại Hội An, Đà Nẵng, ngành lữ hành đang phải hứng chịu những tác động kép từ dịch bệnh và thiên tai khiến nguồn thu của các hoạt động lữ hành từ đầu mùa dịch tới giờ gần như vẫn bằng 0.

Đây là vấn đề không đơn giản, bởi với đà này hoạt động lữ hành có thể sẽ bị xóa sổ trong năm nay.

Cũng theo ông Hải, nếu như các hoạt động lữ hành bị xóa sổ thì việc khôi phục lại là rất khó khăn, do nguồn nhân lực cho lĩnh vực này đã không thể trụ vững và phải tìm kiếm việc mới. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ hoặc là không thực tế, hoặc doanh nghiệp không thể tiếp cận được, điều này khiến doanh nghiệp muốn cầm cự cũng rất khó chưa nói tới khả năng có thể hồi phục.

Trong khi đó, các ông lớn kinh doanh resort kết hợp BĐS nghỉ dưỡng nhờ nguồn lực lớn, chính sách truyền thông tốt đã kịp thời tranh thủ lôi kéo được phần lớn số khách du lịch trở lại sau khi đợt bùng phát dịch lần thứ nhất đã tạm thời được kiểm soát. Nhờ thế họ vẫn có nguồn thu để duy trì hoạt động của mình. Mặt khác, do có nguồn vốn lớn và phạm vi kinh doanh rộng nên những doanh nghiệp kinh doanh resort, BĐS nghỉ dưỡng kết hợp giải trí, vui chơi đều có khả năng phục hồi rất nhanh mỗi khi có cơ hội. 

Vì thế, ông Hải cho rằng, muốn hỗ trợ được cho ngành du lịch thì không phải giảm thuế thu nhập, cũng không phải giảm thuế thuê đất mà phải là giảm thuế VAT.

"Giảm thuế thuê đất chỉ để hỗ trợ cho nhóm nhà giàu, không phải hỗ trợ cho ngành du lịch, càng không có mục đích cứu các doanh nghiệp lữ hành", ông Hải nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, một vị chuyên gia du lịch khác cũng khẳng định, đề xuất miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch là không ổn và chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cho người giàu.

"Tôi nghi ngờ có chuyện lobby chính sách, có việc chính sách bị lái theo người giàu, đại gia, giúp người giàu giàu thêm, người khó lại càng khó", vị này băn khoăn.

Cũng có chung giải thích với TS Hà Thanh Hải, vị chuyên gia cho hay, đề xuất trên không thực tế và không phù hợp với cơ cấu của ngành du lịch. Bởi lẽ, đối tượng bị ảnh hướng lớn nhất là các doanh nghiệp lữ hành thì lại không cần tới chính sách miễn giảm thuế thuê đất, bởi họ không có đất mà miễn.

Trong khi đó, những đối tượng rất cần được miễn giảm thuế thuê đất chính là những ông lớn kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng kết hợp với làm du lịch, giải trí.

Từ nhận định trên, vị chuyên gia cho rằng, điều cần làm nhất nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực du lịch là giảm ngay tiền đóng BHXH, như vậy thì chính sách hỗ trợ mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Lam Nguyễn

Đất Việt