Fica
  1. Bất động sản

Mảnh đất vài mét được rao giá cả chục tỷ đồng: Ai mua?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Một lần nữa, cái giá siêu đắt đỏ cho một miếng đất như bức tường lại làm “nóng” lên vấn đề giải phóng mặt bằng khi mở đường ở Thủ đô Hà Nội. Đây vốn không phải là câu chuyện mới, nhưng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi, đến bao giờ thì Hà Nội không còn phát sinh nhà, đất siêu mỏng, siêu méo mỗi khi mở đường...

Mảnh đất siêu mỏng được rao bán tới 20 tỷ đồng.

Mảnh đất siêu mỏng được rao bán tới 20 tỷ đồng.

Mới đây, cư dân mang chia sẻ rầm rộ tấm ảnh rao bán miếng đất tại khu vực Hà Nội. Điểm khiến người ta chú ý ở đây là miếng đất vỏn vẹn gần 5,3m2 nhưng có giá tới 20 tỷ đồng.

Được biết, miếng đất này nằm ở khu vực đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài vừa được giải tòa vừa qua. Khi con đường này hình thành cũng là lúc giá đất khu vực xung quanh tăng chóng mặt.

Tuy nhiên với mức giá được rao lên tới cả 4 tỷ đồng/m2, đắt hơn khá nhiều so với giá thị trường nhưng miếng đất này lại có hình thù khá đặc biệt với chiều dài tới 18,7m nhưng chiều rộng chỉ vỏn vẹn 0,28m.

Với diện tích gần 5,3m2 nhưng có hình thù không khác gì bức tường, nhiều người cho rằng khó có thể triển khai xây dựng bất kỳ công trình gì với miếng đất này. Do vậy, khả năng chỉ bán được cho… nhà hàng xóm.

Trao đổi với Dân trí, luật sư Trương Anh Tuấn cho biết, khi giải toả làm đường, Nhà nước chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài mét cũng không đền bù. Do vậy, nhưng chỗ đất còn lại sẽ dễ rơi vào tình trạng vừa mỏng vừa méo…

Bên cạnh đó, dù chỉ là một mảnh đất siêu bé nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân, họ muốn rao bán bao nhiêu cũng được, kể cả đó là một mức giá trên trời.

Thực tế với việc liên tục mở ra những con đường sầm uất của Hà Nội cũng là thời điểm những miếng đất siêu mỏng siêu méo ra đời. Năm 2016, cũng từng xuất hiện bức tường chưa đầy 2m2 có giá tiền tỷ tại phố Xã Đàn.

Hay ngay tại chính đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài hồi năm 2015, một miếng đất có diện tích vỏn vẹn 1,7 m2, chiều rộng chỉ 14 cm nhưng cũng được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh những miếng đất với hình thù kỳ dị, nhiều tuyến đường tại Hà Nội cũng đang tồn tại nhiều những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo như Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Đống Đa), Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), đường vành đai 2 Võ Chí Công (Tây Hồ)…

Một lần nữa, cái giá siêu đắt đỏ cho một miếng đất như bức tường lại làm “nóng” lên vấn đề giải phóng mặt bằng khi mở đường ở Thủ đô Hà Nội. Đây vốn không phải là câu chuyện mới, nhưng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi, đến bao giờ thì Hà Nội không còn phát sinh nhà, đất siêu mỏng, siêu méo mỗi khi mở đường?

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo không chỉ là vấn đề nguồn vốn, mà mấu chốt phải làm ngay từ khâu quy hoạch.

Theo đó, thay vì chạy theo giải quyết từng trường hợp, khi dự án đã hoàn thiện, từ khi bắt đầu lập dự án, các cơ quan chức năng phải phát hiện ra các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo có thể sẽ hình thành, từ đó trao đổi với người dân để có phương án thỏa thuận đền bù hợp lý.

Trong trường hợp người dân không thỏa thuận được, Nhà nước phải đứng ra can thiệp, bởi sau khi giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nên việc hợp thửa, hợp khối cũng phức tạp, chưa kể dễ sinh ra khiếu kiện kéo dài.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra nguyên nhân thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đô thị khiến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo mãi không giải quyết được triệt để.

Khi những con đường mới mở có lợi cho cả thành phố nhưng lợi ích của từng hộ dân ở đó thì hoàn toàn khác nhau. Tình trạng các hộ chỉ còn khoảng 1-2 m2 đất cũng dứt khoát không bán hoặc bán với giá rất cao để nhà ở đằng sau không thể mua được diễn ra phổ biến.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 1758 về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005. Theo đó, UBND thành phố chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của Sở Xây dựng về xử lý, thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng.

Tuy nhiên việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo cũ còn chưa triệt để thì tình trạng nhà đất siêu mỏng, siêu méo mới mọc vẫn tiếp tục xuất hiện.

Nguyễn Khánh