Lộ sự thật phía sau những cơn "sốt" đất ảo: Giao dịch chính thức rất ít
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2021, trong đó đề cập đến tình hình phát triển "nóng" của phân khúc đất nền.
Theo Bộ Xây dựng, giá đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên cả nước.
Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao ở vùng ven Thủ đô Hà Nội như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%). Một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%). Mới đây là Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…
Bộ Xây dựng lưu ý, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực nêu trên chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống.
Giá thép tăng sốc gây khốn đốn ngành xây dựng, có gì bất thường?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC - cho biết, thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng. Giá thép tăng vọt dẫn đến cả ngành xây dựng khốn đốn. Thậm chí theo ông, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận", phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến.
Đáng lưu ý, theo băn khoăn của lãnh đạo VACC, lượng thép trên thị trường không thiếu, như vậy không phải giá tăng do nguồn cung thiếu hụt. Thực tế, doanh nghiệp mua bao nhiêu thép cũng đủ nhưng giá vẫn tăng.
Không chỉ thép mà giá các nguyên vật liệu khác cũng nhấp nhổm tăng giá khiến ngành xây dựng khốn đốn.
Nói với Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Đính Ánh cũng cho biết, theo phản ánh thì thấy giá cả nhiều số nhóm hàng hóa tăng, trong đó thép tăng rất cao. "Tuy nhiên câu hỏi tại sao giá thép lên thì tôi chưa thấy có giải thích nào rõ ràng", ông Ánh cho biết. Cũng theo vị này, cần tìm hiểu rõ việc tăng giá là vì sao, nếu bất hợp lý gây rủi ro kinh tế thì phải xem xét.
Đang bị truy nã vẫn lừa bán đất ảo, chiếm đoạt tài sản
Theo điều tra của cơ quan công an, lợi dụng hiện tượng "sốt" đất, Phan Công Thành - đối tượng đang bị Công an tỉnh Hà Tĩnh truy nã - đã lên mạng xã hội tìm hiểu thông tin về các lô đất đang được rao bán tại Thanh Hóa. Sau đó, Thành lấy thông tin cá nhân của các chủ lô đất rồi liên hệ để hỏi giá và đến xem.
Tìm hiểu xong, Thành chọn và tải ảnh giấy tờ một lô đất ở mặt bằng thuộc xã Hoằng Anh, TP. Thanh Hóa của anh T.Đ.P, ở xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa được đăng trên mạng.
Đối tượng Phan Công Thành.
Sau đó, Thành đã liên hệ với anh P.V.B là môi giới bất động sản, ở phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa. Sau khi xem xong đất và giấy tờ, anh B. đồng ý làm hợp đồng đặt cọc với số tiền là 50 triệu đồng. Tiếp đó, lấy lý do là giấy tờ đất đang được cầm cố vay ngân hàng nên Thành đã yêu cầu anh B. cọc tiếp 50 triệu đồng nữa để rút giấy tờ ra. Sau khi lừa được 100 triệu đồng của anh B, Thành cắt liên lạc với anh B. và rời khỏi Thanh Hóa.
Giá đất hàng loạt nơi bỗng dưng tăng "nóng", lô xấu vẫn được hỏi mua
Theo Hội môi giới bất động sản, từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương Thanh Hóa đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020.
"Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua", lãnh đạo Hội môi giới chia sẻ.
Theo thống kê của đơn vị này, hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.
Ôm hàng chờ ăn chênh, "sốt" đất hạ nhiệt, "cò" nhận trái đắng, lâm cảnh nợ nần
Trong nhiều cơn "cơn sốt" đã qua, không thể không nhắc tới bàn tay của các môi giới bất động sản không chuyên, hay còn được gọi là "cò đất". Họ có thể là người dân địa phương có "sốt đất", làm nghề xe ôm, bán trà đá, quán ăn… cả những nhân viên kinh doanh đa cấp, bảo hiểm.
Đến với nghề "cò đất" sau khi bỏ nghề chạy xe tải, anh Nguyễn Mạnh H. (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, lúc đầu chỉ là người dẫn khách đi xem đất, kết nối người có đất tại địa phương với nhà đầu tư, nhưng khi thấy giá đất tăng liên tục, cá nhân anh cũng mua luôn một ô đất chia lô 90m2 ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn "sốt đất", thị trường bắt đầu trầm lắng, anh đăng tin bán mãi không có người mua.
"Sốt đất" tạo ra nghề tay trái cho nhiều người dân là "cò đất".
"Ô đất phân lô tôi mua là 90m2 với giá 1,5 tỷ đồng. Phần lớn số tiền đó tôi phải vay mượn ngân hàng. Giờ bán giá thấp hơn thì lỗ nặng, bán giá mong muốn thì không thể. Trong khi đó lãi ngân hàng phải trả đúng thời gian không sẽ thành nợ xấu", anh Hùng nói.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)