Fica
  1. Bất động sản

Làm gì có chuyện bán tháo, cắt lỗ, giá bất động sản sắp tới còn tăng?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trả lời câu hỏi về tình trạng bán tháo, bắt đáy bất động sản thời điểm dịch bệnh, giới chuyên gia đưa ra một thông tin khá bất ngờ: Chúng tôi không nhìn thấy xu hướng “bán tháo”, cắt lỗ.

Tại buổi buổi công bố báo cáo quý I/2020 được tổ chức trực tuyến sáng 22/4, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, dữ liệu 3 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản giảm mạnh.

Với mức giảm 23% so với cùng kỳ 2019 và giảm 18% so với quý IV/2019, vị này cho biết: Đây là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, trong đó thị trường bất động sản miền Trung giảm “sốc" nhất với 46% so với cùng kỳ 2019.

Trong các phân khúc, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, bất động sản bán phân khúc đất nền dự án đang bị ảnh hưởng nhiều nhất với mức độ quan tâm giảm 30% so với quý IV/2019.

Trong khi đó, ở phân khúc bất động sản cho thuê, nhà mặt phố "ngấm đòn" nặng nhất với mức sụt giảm mức quan tâm tới 35% so với quý IV/2019.

Làm gì có chuyện bán tháo, cắt lỗ, giá bất động sản sắp tới còn tăng? - 1

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo giá bất động sản sắp tới sẽ tăng.

Đáng chú ý theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mặc dù giao dịch giảm, lượng quan tâm giảm, thị trường chịu nhiều tác động lớn của đại dịch nhưng giá rao bán vẫn “ổn định”.

Trả lời câu hỏi về tình trạng bán tháo, bắt đáy bất động sản thời điểm này, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thông tin khá bất ngờ: Chúng tôi không nhìn thấy xu hướng “bán tháo”, cắt lỗ. Chúng tôi cũng không nghĩ chủ đầu tư sẽ giảm giá ở giai đoạn này.

Về giá bất động sản, ông Quốc Anh dự báo không chỉ giữ giá trước “cơn bão" Covid-19, bất động sản có khả năng tăng nhẹ.

Nhận định trên được lãnh đạo Batdongsan.com.vn được đưa ra trên cơ sở dữ liệu của chính kênh này kết hợp với sự so sánh thị trường khá tương đồng với Việt Nam trong giai đoàn này là Hong Kong. Tại thị trường này, trong giai đoạn khủng hoảng giao dịch sụt giảm nhưng phục hồi sau đó 1-2 quý sau nhưng giá thì giữ hoặc tăng.

Theo một khảo sát do đơn vị này thực hiện cuối tháng 3/2020 với sự tham gia của 1.100 môi giới, có đến 97% trong số đó cho biết số lượng giao dịch giảm mạnh trong thời gian này, 75% ghi nhận nguồn hàng khan hiếm.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản khó xảy ra bán tháo, cắt lỗ giống như giai đoạn trước đó là nguồn cung hạn chế, trong khi lực cầu lớn.

"Lực cầu của chúng ta đang rất tốt. Về nguồn cung, các chủ dự án đã nằm trong gói hỗ trợ, giảm thiểu tiêu cực trong thời gian dịch. Sau dịch, thì những doanh nghiệp không trụ nổi là doanh nghiệp yếu. Những doanh nghiệp có năng lực sẽ vượt qua được khủng hoảng", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản cho biết.

Mới đây, khi trao đổi với Dân trí, đại diện CBRE cũng cho biết: Theo ghi nhận tại quý I chưa thấy có tình trạng “bán tháo”. Tại thị trường cơ cấp, giao dịch chững lại vì chủ đầu tư không thể mở chào bán vì lý do hạn chế tụ tập đông người. Việc rao bán cũng khó khăn do người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc với người lạ. Nguồn cầu vẫn khá lớn.

“Người mua nhà và chủ đầu tư trong trạng thái chờ đợi. Hiện tại hầu hết các chủ đầu tư đều giữ nguyên giá bán. Giá bán căn hộ vẫn bình ổn so với quý trước”, đại diện CBRE cho biết.

Còn theo quan sát của đơn vị này trên thị trường thứ cấp, cũng không thấy có nhiều giao dịch chào bán. Bởi nhiều chủ căn hộ đều nhận thấy tình hình không phù hợp để chào bán.

Thời gian qua, khi dịch bệnh hoành hành làm thị trường bất động sản điêu đứng, không hiếm để bắt gặp những cụm từ như "cần tiền thanh lý gấp, giá sập sàn", "bán cắt lỗ sâu do corona", "bán giá thấp nhất thị trường mùa dịch”...

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, thị trường hiện nay chưa đến mức phải bán tháo, cắt lỗ với giá giảm sâu, giảm sốc như một số tin rao bán.

Vì vậy, để tránh rơi vào những chiếc bẫy của các đối tượng “bắt trend mùa dịch”, người mua phải hết sức tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt cần so sánh giá bán trước và sau khi xảy ra dịch covid-19.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan