Fica
  1. Bất động sản

Kinh doanh khách sạn tại Khu kinh tế Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Những kỳ vọng đón lượng kỹ sư, chuyên gia từ Khu công nghiệp Formosa, từ các nhà máy nhiệt điện, hay kỳ vọng các doanh nhân đến làm ăn tại Vũng Áng đều đã không xảy ra, khiến hoạt động kinh doanh của tất cả các khách sạn tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đang rơi vào cảnh điêu đứng.

Video hoạt động kinh doanh khách sạn tại KKT Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng do PV Dân trí vừa ghi lại.

Những hình ảnh mà nhóm PV Dân trí vừa ghi lại ở clip trên là một thực trạng đầy ảm đạm, khó khăn trong hoạt động kinh doanh khách sạn tại KKT Vũng Áng- nơi được mệnh danh là trái tim kinh tế của không chỉ Hà Tĩnh mà còn của khu vực Bắc Miền Trung.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh với chất lượng 4 sao là một ví dụ điển hình cho tình trạng kinh doanh bi đát, chồng chất khó khăn này.

Từ hơn 2 năm qua tổ hợp khách sạn nằm ngay ở vị trí đẹp bậc nhất của KKT Vũng Áng rơi vào cảnh vắng khách trầm trọng. Theo phụ trách tổ hợp khách sạn này, chỉ 20 % trong tổng số 246 phòng của khách sạn là hoạt động, còn lại là đóng cửa.

Kinh doanh khách sạn tại Khu kinh tế Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng - 1

Khách sạn Mường Thanh hết sức ảm đạm do không có khách lưu trú. Chỉ 20% trong tổng số 246 phòng của khách sạn là hoạt động, còn lại là đóng cửa.

Vắng khách lưu trú, thế nên không còn cách nào khác, Tập đoàn Mường Thanh - chủ đầu tư cũng đã buộc phải đóng cửa khu siêu thị 3 tầng nằm ngay cạnh.

Không hoạt động, khu siêu thị này trống trơ, xuống cấp, không ai còn nhận ra đây là nơi từng rất sôi động, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan mua sắm.

Theo ông Nguyễn Văn Thuyên- Giám đốc phụ trách khách sạn cho biết, kinh doanh khó khăn nên việc chỉ mỗi việc lo lương cho 90 cán bộ nhân viên với mức trung bình 4 triệu đồng/người/tháng cũng đã quá chật vật.

"Với đà này, khách sạn sẽ còn phải cắt giảm nhân viên"- ông Thuyên nói.

Kinh doanh khách sạn tại Khu kinh tế Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng - 2

ông Nguyễn Văn Thuyên- Giám đốc phụ trách khách sạn Mường Thanh cho biết, việc chỉ lo lương cho 90 cán bộ nhân viên với mức trung bình 4 triệu đồng/người/tháng cùng chi phí điện nước cũng đã quá chật vật.

Cùng với Mường Thanh, một loạt tổ hợp khách sạn khác mọc lên ở Vũng Áng cũng hết sức khó khăn, khốn đốn trong kinh doanh.

Có thể kể đến các tổ hợp KS Polaris, Happy hotel… với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những khách sạn có quy mô nhỏ hơn cũng rơi vào cảnh khốn đốn, hoặc đóng cửa.

Trong khi đó, một số tổ hợp khách sạn sau khi khởi công, xây dựng phần thô buộc phải dừng thi công do không nhìn thấy đầu ra. Đáng chú ý nhất là Tổ hợp khách sạn 4 sao, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê Phú Vinh có số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng của một doanh nghiệp hiện đắp chiêu, không biết khi nào sẽ hoàn thành?

Kinh doanh khách sạn tại Khu kinh tế Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng - 3

Vì không thấy đầu ra, nên tổ hợp khách sạn 4 sao, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê Phú Vinh xây xong phần thô rồi để đó. 

Theo nhiều cán bộ tại thị xã Kỳ Anh, tình trạng ảm đạm này do Formosa đã qua giai đoạn xây dựng cao điểm và những kỳ vọng đón lượng kỹ sư, chuyên gia từ Khu công nghiệp Formosa, từ các nhà máy nhiệt điện, hay kỳ vọng các doanh nhân đến làm ăn tại Vũng Áng đều đã không xảy ra.

Hiện các tổ hợp khách sạn ở khu kinh tế này chỉ còn nước trông chờ vào một làn sóng đầu tư mới tại Vũng Áng để thoát khỏi cảnh ảm đạm như hiện nay.

"Tất cả các khách sạn lớn nhỏ ở đây đều quá khó khăn, nhiều chủ đầu tư rao bán khách sạn với giá rẻ cũng không bán được. Chúng tôi chỉ còn cách chờ đợi một làn gió đầu tư mới vào đây mới hi vọng vượt qua được khó khăn. Nếu không, chuyện đổ vỡ trong kinh doanh khách sạn là chắc chắn"- chủ một khách sạn gần 100 phòng ở phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh ngán ngẫm nói.

Văn Dũng - Tiến Hiệp

Kinh doanh khách sạn tại Khu kinh tế Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng - 4