Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, chủ đầu tư Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ dự kiến thực hiện từ tháng 4/2025 đến năm 2030.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 282.832 tỷ đồng, trong đó phần lấn biển (thi công kè, san nền) hơn 65.609 tỷ đồng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hơn 32.516 tỷ đồng, còn lại là đầu tư công trình kiến trúc gần 184.707 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ - chủ đầu tư dự án - là công ty con của Tập đoàn Vingroup. Theo đăng ký mới nhất vào tháng 9, doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 32.561 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thục Hiền làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Dự án có quy mô 2.870ha nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM. Toàn bộ khu đất dự án được chia thành 5 phân khu A, B, C, D và E.
Trong đó, khu A rộng nhất với diện tích 953ha, gồm khu công viên chuyên đề, sân golf, các khu du lịch nghỉ dưỡng và công trình công cộng thương mại dịch vụ, văn hóa thể thao tiếp giáp với các trục đường chính đô thị. Hệ thống nhà ở thấp tầng được phân chia thành các đảo và bán đảo, kết hợp hệ thống mặt nước len lỏi bao bọc xung quanh.
Phân khu B gần 660ha, không gian trọng tâm là tổ hợp công trình trung tâm văn hóa, thể thao và sân vận động bố trí tại nút giao lớn với đại lộ Cần Thạnh - Long Hòa ở phía Bắc. Khu vực này có hệ thống nhà ở thấp tầng và nhà ở xã hội đảm bảo 20% diện tích đất ở.
Điểm nhấn quy hoạch dự án với tòa tháp Hải Đăng cao 108 tầng (Nguồn: CĐT).
Phân khu C có khoảng 318ha, được bố trí công trình sân thể thao cơ bản kết hợp cảnh quan, công trình hỗn hợp làm điểm nhấn cho khu vực, các công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị.
Phân khu D có diện tích hơn 480ha, được bố trí công trình sân thể thao cơ bản kết hợp cảnh quan, quảng trường làm điểm nhấn cho khu vực, các công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị.
Cả phân khu C và D đều có hệ thống nhà ở thấp tầng được phân chia thành các đảo và bán đảo, kết hợp hệ thống mặt nước len lỏi bao bọc xung quanh. Nơi đây được bố trí trường học các cấp và THPT phục vụ toàn khu vực.
Phân khu E diện tích hơn 458ha, hình thành mặt nước lớn tại trung tâm khu vực, xây dựng công viên, bãi tắm là khoảng đệm để kết nối với không gian mặt nước. Chức năng là không gian mở mang tính công cộng.
Điểm nhấn quy hoạch là đại dự án sẽ có sân golf rộng 155ha tại khu A và một tòa tháp Hải Đăng cao 108 tầng tại khu C, được bố trí các khu ở cao tầng, văn phòng và thương mại dịch vụ.
Huyện Cần Giờ được định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh của TPHCM, nhưng quỹ đất để phát triển rất hạn hẹp, chỉ khoảng 1.730ha đất đô thị, trong đó có 764ha đất cây xanh, đất làm muối nằm phân tán có thể sử dụng cho đầu tư phát triển.
Vì vậy, chủ đầu tư cho rằng việc phát triển đô thị lấn biển sẽ bảo đảm quỹ đất phát triển, tránh ảnh hưởng đến khu dự trữ bảo tồn sinh quyển Cần Giờ. Chủ trương phát triển về phía biển của huyện Cần Giờ cũng đã được định hướng và cụ thể hóa trong quy hoạch chung TPHCM đến 2025.
Cần Giờ cách trung tâm TPHCM khoảng 50 km, hiện đã có tuyến đường Rừng Sác nối đô thị Bình Khánh hiện hữu với đô thị dự kiến Cần Thạnh. Bên cạnh đó, tuyến giao thông vành đai nối Nhà Bè - Cần Giờ - Nhơn Trạch - Quốc lộ 51 - sân bay quốc tế Long Thành sẽ tạo điều kiện đưa Cần Giờ vào mối liên kết với trục phát triển chung của vùng đô thị.