Ngàn tỷ gửi cho đại gia nhà đất, hám lãi cao coi chừng chết dí
Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang đua phát hành trái phiếu với lãi suất cao, rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đầu tư vào trái phiếu DN bất động sản, ham lãi cao mà không tìm hiểu kỹ, thì nguy cơ rủi ro cao.
Trái phiếu các DN bất động sản phát hành thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất. Nhưng quyền sử dụng đất có vấn đề hay không, rất khó được minh bạch.
Liệu đất đó có bị tranh chấp không, tính pháp lý như thế nào, DN đã dùng để vay vốn hay góp vốn với đối tác nào chưa, đã sử dụng cho giao dịch khác chưa, giá đất được thẩm định như thế nào,... ? Tóm lại, rủi ro về tài sản đảm bảo rất cao.
Ham lãi suất cao mà không tìm hiểu tài sản bảo đảm có an toàn hay không thì nguy cơ rủi ro rình rập...
Khó xác định người Trung Quốc "núp bóng" mua đất: Thật không?
Liên quan đến vấn đề người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua đất ven biển Đà Nẵng, ngày 12/6, trả lời báo chí, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, trong tổng số 15 trường hợp người nước ngoài mua BĐS tại Đà Nẵng chỉ có 1 người Hồng Kông (Trung Quốc).
Cụ thể ông Hùng cho biết, trước đây, dư luận phản ánh tại dự án Dọc tường rào Sân bay Nước Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (tổng số lô theo quy hoạch 246 lô) đã được chuyển nhượng và lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân với tổng số 241 lô đất.
Nhiều nhà hàng tại Đà Nẵng treo biển Trung Quốc. Ảnh: Đà Nẵng
Trong đó, các lô đất có liên quan đến yếu tố người nước ngoài (Doanh nghiệp trong nước có phần vốn góp của người nước ngoài dưới 50% tỷ lệ vốn góp trước và sau thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) là 54 trường hợp…
Bị kêu thiếu vốn cho bất động sản, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng không có nghĩa ngân hàng hạn chế cho vay đối với lĩnh vực này.
Việc hạn chế rủi ro của ngân hàng được kiểm soát bằng cách lựa chọn dự án hiệu quả, chọn chủ đầu tư đủ năng lực mới xem xét giải ngân vốn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngân hàng không thiếu vốn đối với bất động sản.
Theo ông Hùng, hoạt động cho vay bất động sản hiện nay chia làm hai loại. Một là cho vay trực tiếp với các chủ đầu tư để kinh doanh bất động sản. Hai là cho vay thông qua tiêu dùng, phục vụ người dân mua, sửa nhà. Trong đó, dư nợ đối với kinh doanh bất động sản được hạn chế, nhưng cho vay phục vụ người dân mua, sửa nhà vẫn được đẩy mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy nguồn tiêu thụ cho các dự án bất động sản hiện nay. Thậm chí, các ngân hàng sẵn sàng bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai để phục vụ nhu cầu thực tế của người dân.
Vụ nghi Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền": 90 cuộc thanh tra trong năm 2019 là những cuộc nào?
Đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 1369/QĐ-BXD phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2019 của Thanh tra Bộ.
Theo kế hoạch, năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; các công trình dân dụng công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; vật liệu xây dựng; hoạt động đầu tư, kinh doanh bất đông sản… phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân và xử lý đơn thư.
Đáng chú ý, tại kế hoạch thanh tra chuyên ngành về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra nhiều “ông lớn” trên thị trường bất động sản.
Một số doanh nghiệp đáng chú ý như: Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng tại các dự án: Tổ hợp chung cư cao cấp N01 T5, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Chung cư phục vụ cán bộ viên chức quận Tây Hồ và các cơ quan của TP, quận Tây Hồ, TP Hà Nội; Khu nghỉ dưỡng Kim Bôi, Hòa Bình; Chung cư Quảng Ninh, TP Hạ Long, Quảng Ninh; Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc...
Cò đất tung hoả mù, thị trường bất động sản lên cơn sốt đất, giá ảo
Đặt câu hỏi trên Nghị trường Quốc hội vừa qua, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho biết, hiện nay công tác quản lý thị trường bất động sản còn có mặt bất cập trong quản lý môi giới bất động sản, cụ thể như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học mà vẫn được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản.
Theo đại biểu, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới bất động sản khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa đủ sức răn đe. Việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản chưa gắn với các quy định về thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động môi giới bất động sản.
Thực tế, thời gian qua, tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng "sốt đất ảo", nghĩa là giá đất thì tăng cao nhưng giao dịch thực lại không có. Nghịch lý này diễn ra trên địa bàn một số huyện tại Hà Nội như Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức Đông Anh hay các địa phương như TPHCM, Vân Đồn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Ninh...
Bộ Xây dựng thống kê sai về tồn kho bất động sản?
Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/12/2018, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản còn khoảng 22.825 tỷ đồng. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thì cho biết, tồn kho bất động sản năm 2018 của 65 doanh nghiệp niêm yết đã lên đến 201.921 tỷ đồng.
HoREA cho rằng, số liệu hàng tồn kho nêu trên đã được Bộ Xây dựng tổng hợp vào đầu năm 2013, chưa được cập nhật, bổ sung lượng hàng tồn kho phát sinh mới trong những năm sau này.
Nhiều dự án phải “đắp chiếu” trong thời gian dài vì đói... vốn.
Theo số liệu thống kê hàng tồn kho bất động sản năm 2018 của 65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì tổng giá trị hàng tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng.
Do vậy, HoREA đề nghị các doanh nghiệp hết sức quan tâm xử lý hàng tồn kho đi đôi với xử lý các khoản nợ xấu. Trong đó, có giải pháp cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường nhà có giá vừa túi tiền; tính toán giảm giá bán, thậm chí chấp nhận cả giải pháp bán lỗ để cắt lỗ để sớm xử lý hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Tổng công ty Sông Đà: Lợi nhuận thấp kỷ lục, nợ phải trả gấp 3 vốn sở hữu
Tổ đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà (mã CK: SJG) vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018. Báo cáo cho thấy, tổng doanh thu năm 2018 của Tổng công ty Sông Đà đạt 2.186 tỷ đồng, đạt tương ứng 76% kế hoạch năm.
Mặc dù doanh thu vài nghìn tỷ song lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty chỉ đạt 22,37 tỷ đồng, tương ứng 11% kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sỡ hữu của Tổng công ty Sông Đà khá cao là 2,81 lần.
Đây là kết quả kinh doanh thấp kỷ lục của doanh nghiệp này. Ngoài ra, báo cáo về giám sát tài chính của Tổng công ty cũng cho thấy hệ số nợ phải trả/vốn chủ sỡ hữu khá cao là 2,81 lần. Cụ thể, tính đến cuối quý I/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 21.372 tỷ đồng.
Về ở 5 năm, không có sổ vì cả toà chung cư vẫn... bị “cắm” tại ngân hàng
Cư dân khu chung cư Westa Hà Đông (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư vừa có đơn kêu cứu cho biết, dù được nhận bàn giao nhà đã 5 năm và thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, nhưng đến nay, gần 300 hộ dân tại đây vẫn chưa được làm sổ hồng.
Gần đây, qua thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cư dân mới biết được, nguyên nhân là do chủ đầu tư đang thế chấp cả toà nhà trong ngân hàng.
Chung cư Westa Hà Đông là tổ hợp công trình bao gồm 2 khối 21 và 25 tầng nổi thuộc khu đô thị Mỗ Lao với mức đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về việc chủ đầu tư làm sổ hồng cho cư dân. Nhưng cứ hết năm này qua năm khác vẫn không nhận được phản hồi tích cực từ phía chủ đầu tư. Quyền lợi chúng tôi đang bị xâm hại nghiêm trọng, bởi tài sản của cư dân nhưng chủ đầu tư lại cầm cố tại ngân hàng", đại diện cư dân Westa Hà Đông bức xúc.
Dự án "ma" giăng bẫy nhà đầu tư đất nền
Đầu năm 2019 đến nay, phân khúc đất nền tại TP.HCM không có nhiều biến động nhưng thị trường vẫn liên tục xuất hiện nhiều dự án "ma". Những khu đất này được rao bán công khai dù chưa được phê duyệt. Trong đó, nhiều trường hợp nhà đầu tư bị các đối tượng xấu lừa gạt, tạo lòng tin thông qua hình thức “lập vi bằng” tại cơ quan Thừa phát lại.
Theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, “công chứng vi bằng” là sự sáng tạo khái niệm nhằm mục đích lừa đảo, bởi “công chứng” và “vi bằng” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau”.
“Việc lập vi bằng trên giấy tờ viết tay chỉ nhằm ghi nhận hành vi giao nhận tiền mà không khẳng định nội dung đó là dùng để làm gì, đúng hay sai. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, văn phòng công chứng và văn phòng Thừa phát lại có chung một địa chỉ. Các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở này để tạo lòng tin và gây thiệt hại cho nhà đầu tư cá nhân khi mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý”, ông Chánh cho biết.
Trước thực trạng trên, nhiều quận, huyện phải lên tiếng cảnh báo người dân thận trọng với những chiêu trò chào mời hấp dẫn. Tuy nhiên, đến nay, những hiện tượng rao bán mập mờ này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Luật sư Trương Anh Tú: Không cần sửa hơn 4 luật để “chiều” nhóm lợi ích về Condotel
Bộ trưởng Hà cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.
Nhận định về nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về Condotel, Luật sư Trương Anh Tú (Giám đốc Công ty luật Trương Anh Tú, đơn vị trước đó đã có kiến nghị hơn 150 trang gửi đến Quốc hội để kiến nghị về quản lý Condotel) có những trao đổi với góc nhìn khác.
Luật sư Tú cho biết, để điều chỉnh Condotel như một sản phẩm bất động sản, thì trước tiên phải sửa ít nhất 4 luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị… trước khi Bộ Xây dựng có thể tiến hành xây dựng quy chế quản lý vận hành các loại hình bất động sản mới trong đó có Condotel, như dự kiến trong phát biểu của Bộ trưởng Hà tại Nghị trường Quốc hội.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)