Theo HoREA, dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) do Công ty TNHH DV BĐS và Xây dựng Hoàng Nam (Công ty Hoàng Nam) làm chủ đầu tư.
Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án không thể theo kiểu "xin - cho"
Dự án có quy mô rất nhỏ, diện tích chỉ 4.660 m2 có nguồn gốc đất hỗn hợp, bao gồm khoảng hơn 2.000 m2 là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Toàn bộ dự án chỉ có 36 căn nhà phố liên kế 1 trệt 2 lầu, diện tích nền nhà từ 68-103 m2, với tổng diện tích các nền nhà đưa vào kinh doanh 2.965 m2, chiếm tỷ lệ lên đến 63,2%.
Khu đất này do ông Hoàng Văn Tâm đứng tên “sổ đỏ”. Ông Hoàng Văn Tâm cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hoàng Nam.
Dự án khu nhà ở Hoàng Nam 3 được khởi công xây dựng từ tháng 10/2019. Theo đó, chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, xây nhà thô (hoàn thiện mặt ngoài, thô bên trong căn nhà) và dự kiến bàn giao cho khách hàng vào quý 2/2021.
Dựa theo thông tin báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, vào ngày 18/1/2019, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 314 chấp thuận Công ty Hoàng Nam làm chủ đầu tư dự án.
Tại thời điểm này, Công ty Hoàng Nam chưa đứng tên “sổ đỏ” khu đất dự án. Như vậy có thể thấy, theo quy định pháp luật, Công ty Hoàng Nam chưa có quỹ đất hợp pháp để lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở.
Đến 4/3/2019, UBND thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng dự án khu dân cư Hoàng Nam 3. Tại thời điểm này, Công ty Hoàng Nam cũng chưa đứng tên sổ đỏ.
Mãi đến ngày 14/3/2019, Hội đồng thành viên Công ty Hoàng Nam mới ra biên bản họp và thống nhất nhận chuyển nhượng khu đất cá nhân về thành tài sản của công ty.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm đúng và cần có mô hình nhân rộng ra tại TPHCM.
Ông Châu nhấn mạnh: “Điểm nổi bật là tỉnh Bình Dương đã giải quyết rất nhanh thủ tục “công nhận chủ đầu tư”, “phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng” dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3, tạo cơ sở pháp lý để Công ty Hoàng Nam thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.
Với cách làm trên, nếu các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều được giải quyết rất nhanh thủ tục đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính, thì các doanh nghiệp sẽ sớm triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân và tác động tích cực đến thị trường bất động sản”.
Nhiều ý kiến cho rằng không thể học một mô hình sai để áp dụng giải toả "ách tắc" thủ tục hành chính trong bất động sản
Từ đó, HoREA đề xuất phương thức giải quyết “ách tắc” thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể, HoREA kiến nghị giải quyết nhanh thủ tục hành chính đối với 2 dự án tại TPHCM, gồm: Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh) của Công TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành và Dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (quận 9) của Công ty CP Địa ốc Thảo Điền gần 10 năm chưa triển khai được.
Đề xuất trên của HoREA đang gây tranh cãi khi TPHCM không thể học một mô hình sai để áp dụng giải toả "ách tắc" thủ tục hành chính trong bất động sản.
Quế Sơn