Fica
  1. Bất động sản

Hàng trăm nghìn tỷ đồng rót vào nhà ở xã hội: Ưu đãi gì để hút đầu tư?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Cần nguồn vốn rất lớn rót vào nhà ở xã hội

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Hiện số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng rót vào nhà ở xã hội: Ưu đãi gì để hút đầu tư? - 1

Về tiêu chuẩn thiết kế, Bộ Xây dựng yêu cầu các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê có chất lượng xây dựng như nhà ở thương mại.

Với số vốn rất lớn để thực hiện hàng loạt dự án, giải bài toán nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra cụ thể các giải pháp và cơ chế, chính sách bổ sung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, về quy hoạch, quỹ đất, đối với dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê, trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.

Theo Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc. Trường hợp có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ - thương mại trong KCN chưa được sử dụng hết thì giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để cho thuê.

Còn trường hợp quỹ đất dịch vụ - thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND cấp tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch KCN để dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân.

Đối với dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt để bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đối với các dự án nhà ở xã hội gần khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội;

Các địa phương rà soát, lựa chọn các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đang triển khai dở dang hoặc đã có quyết định chủ trương, đã có đất sạch, có thể triển khai ngay để lập danh mục gửi Bộ Xây dựng tổng hợp.

Nhà ở xã hội phải có chất lượng xây dựng như nhà ở thương mại

Về tiêu chuẩn thiết kế, Bộ Xây dựng yêu cầu các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê có chất lượng xây dựng như nhà ở thương mại.

Các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê phải được quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng đảm bảo cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng, nhà ở, phòng cháy chữa cháy…;

Các dự án cũng phải đảm bảo đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

Về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết chủ đầu tư các dự án trong Chương trình được hưởng ưu đãi của chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100, Nghị định số 49...

Ngoài ra chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) và được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời được cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN thuê nhà công nhân để bố trí cho công nhân của mình lưu trú. Chủ đầu tư cũng sẽ được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê, theo Bộ Xây dựng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá cho thuê đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê do UBND cấp tỉnh phê duyệt căn cứ đề nghị của chủ đầu tư. Nguyên tắc không được tính các ưu đãi của nhà nước vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa bằng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng và thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm;

Trong khi giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua đối với các dự án nhà ở xã hội thực hiện theo pháp luật nhà ở xã hội hiện hành.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cụ thể, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng bao gồm: Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan