Sau một năm hoạt động với nhiều thách thức và khó khăn, thị trường bất động sản Việt Nam bước sang năm 2021 với nhiều bệ đỡ, giúp thị trường tăng trưởng trở lại.
Một trong những bệ đỡ lớn nhất là hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện, tháo gỡ các "nút thắt" đã tồn tại nhiều năm.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, trong năm 2020, Chính phủ, cùng các bộ ngành có liên quan đã sửa đổi và ban hành một số nghị định mới để giải quyết các xung đột pháp luật, kìm hãm phê duyệt các dự án đầu tư trong suốt năm 2019, 2020.
Các chuyên gia nhìn nhận, thị trường bất động sản Việt Nam bước sang năm 2021 với nhiều bệ đỡ về chính sách sẽ giúp thị trường tăng trưởng trở lại. Trong ảnh là KĐT xanh Ecopark, phía Đông Hà Nội.
Ông Phan Đình Vĩnh - chuyên gia bất động sản cũng nhìn nhận, từ năm 2020, Chính phủ cùng Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách mới để hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong đó, có 4 chính sách mới được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, đó là Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Thông tư 21 cho phép xây dựng các căn hộ 25m2.
Ngoài ra, một số chính sách khác liên quan tới việc giảm thuế, miễn thuế, hạ lãi suất cho vay cũng được các doanh nghiệp bất động sản đánh giá cao.
"Hiện nay, các doanh nghiệp đang chờ đợi Quốc hội xem xét các dự thảo sửa đổi Luật Đất đai để phù hợp ở thời điểm hiện tại. Nếu việc sửa đổi diễn ra suôn sẻ, và không tạo ra lỗ hổng, Luật Đất đai mới sẽ là một điểm nhấn quan trọng của năm 2021", ông Vĩnh nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kỳ vọng, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 diễn ra vào đầu năm 2021, bộ máy nhân sự mới sẽ tạo ra các chính sách có tính đột phá để kích thích thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng.
Nhìn vào các khó khăn vẫn còn tồn tại trên thị trường, ông Đính nhìn nhận, bộ máy lãnh đạo mới tăng cường phê duyệt các dự án mới. Đồng thời, các nút thắt tồn tại trong nhiều năm qua sẽ được tháo gỡ để khai thông nguồn cung, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
"Tăng phê duyệt các dự án mới, tăng nguồn cung là giải pháp cần thiết trong bối cảnh cả nước đang trông chờ nhà ở giá rẻ. Khi vấn đề này được giải quyết, giá nhà ở sẽ tự động giảm. Người dân, nhất là người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận tới các dự án nhà ở giá rẻ nhiều hơn", ông Đính bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ chuyển biến tích cực nhờ hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, trong năm 2020 có 10 dự án giao thông lớn được khởi công. Cụ thể, ở miền Bắc là dự án nâng cấp sân bay Nội Bài với tổng kinh phí 2.031 tỷ đồng; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (1.837 tỷ đồng).
Tại miền Trung là dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (12.111 tỷ đồng); cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (8.000 tỷ đồng); cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (18.000 tỷ đồng); đường Hồ Chí Minh đoạn tránh TP. Buôn Ma Thuột (1.512 tỷ đồng); dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên (3.654 tỷ đồng).
Ở miền Nam là dự án cầu Mỹ Thuận 2 (5.000 tỷ đồng); nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất (2.015 tỷ đồng); cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (4.826 tỷ đồng).
"Những dự án giao thông lớn có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản ở cả 3 miền. Năm 2021, thị trường sẽ có những biến chuyển tích cực cùng hệ thống hạ tầng giao thông này", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Càng về cuối năm, thị trường BĐS càng có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Báo cáo của Bộ Xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn và có những tín hiệu lạc quan, tích cực. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý III/2020 tăng 82% so với quý trước. Về giao dịch, trong quý III/2020, có tới 36.884 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng thành công.
Riêng tại Hà Nội có 13.300 sản phẩm đủ điều kiện, tăng 79,5% so với Quý II/2020. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh là 6.722 sản phẩm, tăng 70% so với quý trước.
Bên cạnh đó, trong quý III, tổng khối lượng giao dịch thành công tại Hà Nội đạt 2.966 lượt, tăng gấp đôi so với quý trước. Còn tại TP.HCM, tổng khối lượng giao dịch thành công là 6.722 lượt, tăng 70% so với quý trước.
Đặc biệt, tổng nguồn vốn đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong quý III tăng 400% so với quý trước, đạt 2,35 tỷ USD. Riêng tổng nguồn vốn FDI "chảy" vào thị trường Việt Nam cũng tăng từ 7,2 tỷ USD (quý II) lên 8,53 tỷ USD (quý III).
Việt Vũ