Chuỗi sân golf trong tay các đại gia
Trước giờ quyết định xây dựng Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf để trình Chính phủ ban hành vào 31.12.2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo về tình hình hoạt động của sân golf. Trong đó lấy ý kiến về hàng loạt vấn đề khi xây dựng điều kiện đầu tư sân golf.
Để xây dựng Nghị định trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương báo cáo đánh giá chung về tình hình thực hiện các dự án sân golf trên địa bàn, trong đó nêu rõ số lượng, quy mô, tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng sân golf (trong đó có diện tích nông nghiệp được chuyển mục đích sử dụng); đóng góp của các dự án cho thu ngân sách, tạo việc làm cho địa phương.
Ngoài ra, Bộ KHĐT cũng đề nghị rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 1946 và Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về sân golf, trong đó nêu rõ mặt tích cực, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Hiện tại, cả nước có 116 sân golf được quy hoạch, trong đó có 42 sân đã đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 36%).
Thời gian qua, sức nóng của dự án sân golf đã lan rộng từ Bắc chí Nam, hàng loạt địa phương xuất hiện các dự án sân golf như Tây Nguyên, Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ...
Một số sân golf được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản bổ sung vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 mới đây bao gồm sân golf Kênh Gà - Vân Trình tỉnh Ninh Bình, sân golf FLC Quảng Bình Golf Links; sân golf Bến En tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa; sân golf quốc tế, khu dịch vụ hỗ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế); sân golf Việt Yên tại xã Hương Mai và xã Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang; Tuyên Quang. Bên cạnh đó, sân golf Bà Nà, Đà Nẵng cũng được điều chỉnh mở rộng từ 36 lỗ lên 108 lỗ.
Một góc sân golf Tân Sơn Nhất thuộc hệ thống Him Lam do Cty CP Đầu tư Long Biên trực tiếp triển khai. (Ảnh: I.T)
Thời gian qua, hàng loạt doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam đã đầu tư vào các dự án sân golf lớn. Tiêu biểu là ông Dương Công Minh, người từng được dư luận nhắc tới do liên quan tới việc thu hồi sân golf, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, khối tài sản của ông chủ Tập đoàn Him Lam trải dài khắp đất nước thì không phải ai cũng biết.
Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hệ thống Him Lam hiện sở hữu 2 sân golf có vị trí đắc địa ngay gần trung tâm là Sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất do Cty CP Đầu tư Long Biên trực tiếp triển khai.
Còn bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG lại được biết tới với tư cách là một trong số các doanh nhân đầu tư cho môn golf ngay từ những ngày đầu sơ khai.
Sau gần 20 năm đồng hành cùng golf Việt Nam, bắt đầu từ việc đầu tư vào Kings Island Golf Resort với Lakeside, Mountainview và Kings Course, danh mục đầu tư vào sân golf của BRG còn có sân Ruby Tree (Hải Phòng), sân Legend Hill (Sóc Sơn, Hà Nội), hay gần đây là sân BRG Da Nang Golf Resort, trước đó vốn là Danang Golf Club.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cũng từng nhiều lần chia sẻ trước truyền thông về đầu tư sân golf là một trong những chiến lược kinh doanh của Tập đoàn.
Bên cạnh các sân golf đang hoạt động là FLC Golf Links Samson, FLC Quy Nhon Golf Links, FLC Ha Long Golf Club, trong một buổi trao đổi gần đây về định hướng phát triển Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết đã không ngần ngại chia sẻ: “Tới năm 2020, FLC sẽ có 20 khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf nằm trải dài khắp Việt Nam. Chúng tôi sẽ có chính sách riêng, cứ khách hàng bay trên chuyến bay của Bamboo Airways mà nghỉ dưỡng tại các quần thể của FLC, chúng tôi có thể sẽ lấy tiền vé theo cách gọi là lấy cho có, thậm chí miễn phí nếu như có sự hợp tác trước đó. Phục vụ nhu cầu cách siêu rẻ là như vậy”.
Quản lý đầu tư sân golf ra sao?
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2018, trao đổi về vấn đề quản lý đầu tư sân golf, Thứ trưởng Bộ KHĐT Lê Quang Mạnh cho biết, Bộ KHĐT nhận được đề xuất của rất nhiều địa phương có nhu cầu phát triển các sân golf để phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.
Chính phủ cũng đã có các quyết định về quy hoạch sân golf theo Quyết định 1946 hay Chỉ thị 11/2012. Để xem xét, phê chuẩn quy hoạch của sân golf phải bảo đảm rất nhiều điều kiện, các tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Lê Quang Mạnh (Ảnh: I.T)
Ông Lê Quang Mạnh nói: “Trong đó, chắc chắn 2 nội dung liên quan đến việc sử dụng đất lúa, đặc biệt là đất lúa 2 vụ cũng như đất rừng, được xem xét hết sức chặt chẽ. Chính vì vậy, xin bảo đảm rằng, quá trình xem xét được Bộ thực hiện trong thời gian dài, xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm các thủ tục hợp pháp và không ảnh hưởng đến việc sử dụng 2 loại đất này”.
Theo ông Mạnh, phê chuẩn quy hoạch các sân golf thực chất cũng là tạo điều kiện để các địa phương có các điều kiện pháp lý thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo thôi.
Hiện nay, có quy hoạch 89 sân nhưng chỉ có chưa đến một nửa số đó được triển khai và đi vào hoạt động vì có rất nhiều sân golf thực chất là trong quy hoạch nhưng không đủ điều kiện kinh doanh, không đủ điều kiện để phát huy lợi nhuận đầu tư, do vậy cũng không được nhà đầu tư quan tâm thực hiện.
Về dài hạn, sân golf là loại hình theo quy định của Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, bắt đầu từ năm 2019, chúng ta sẽ quản lý theo hình thức điều kiện kinh doanh chứ không phải theo hình thức quy hoạch nữa. Tức là Nhà nước sẽ ban hành một loạt điều kiện, tiêu chí cụ thể để các địa phương, các nhà đầu tư có thể xem xét, tiến hành đầu tư sân golf.
Trong năm 2019, Chính phủ cũng chấp thuận đề xuất của Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng một nghị định đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể cho lĩnh vực sân golf để chúng ta có thể theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các công cụ quản lý Nhà nước, tránh việc lạm dụng, sử dụng nhiều đất quá, các vấn đề liên quan đến môi trường, ảnh hưởng đến lợi ích chung khác của xã hội.
Theo Nguyên Phương
Dân Việt