Fica
  1. Bất động sản

Hai bộ cùng nhiều địa phương lao vào dập, liệu "sốt" đất có hạ nhiệt?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo chuyên gia, muốn dập được "sốt" đất, cần truy tận cùng xem nguyên nhân gì lại khiến thị trường "sốt" lên đùng đùng như thế, không đi đúng vào nguyên nhân thì không thể "dập" được.

Các bộ, nhiều địa phương vào cuộc chặn "sốt" đất

Trước việc giá đất ở nhiều nơi tăng cao đột biến, gây hiện tượng "sốt ảo", Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã đề nghị các địa phương chấn chỉnh và gửi báo cáo kết quả về Bộ này trước ngày 31/5.

Theo Bộ này, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến, gây nên hiện tượng "sốt ảo", làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.

Trước tình trạng "sốt" đất khắp nơi, Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Hai bộ cùng nhiều địa phương lao vào dập, liệu sốt đất có hạ nhiệt? - 1

Theo Hội môi giới, thị trường đất đai sau dịp Tết Nguyên đán ghi nhận tình trạng giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Bộ chỉ đạo xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có).

Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã phải ra văn bản để cảnh báo, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất "sốt ảo" hiện nay như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị...

Theo đó, các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo" phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã sớm kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.

Một số lãnh đạo địa phương cảnh báo rõ: Các đối tượng đầu cơ đã âm thầm chuẩn bị mua đất tại các dự án trên từ thời gian trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch phát triển đô thị, đã bằng mọi cách tung ra thị trường các tin gây "sốt", qua đó đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn nhằm tạo "sóng ảo" về nhu cầu, khiến cho giới đầu tư và người dân thấy bất động sản khu vực này đang giao dịch rất sôi động.

Tuy nhiên, đây thực chất là các hoạt động mua đi bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng thị trường, tạo các giao dịch "mồi" để dụ các khách hàng "nhẹ dạ cả tin" vào mua đất.

Khi người dân đầu tư mua hết các giao dịch, hoạt động tạo "sốt" đất ảo sẽ chấm dứt. Lúc này, không còn hoạt động mua bán ảo nhằm đẩy giá, giá đất sẽ ở mức cao hoặc giảm sâu khiến người đầu tư không kịp thoát ra khỏi cơn "sốt" đất và bị mắc kẹt.

Cách nào để dập "sốt" đất?

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, "sốt" đất hiện nay chủ yếu liên quan đến thông tin quy hoạch, dự kiến quy hoạch... Thời kỳ này gợi nhớ chúng ta đến cơn "sốt" đất Ba Vì trước đây.

"Người thiệt là người đầu tư cuối cùng khi thị trường đảo chiều. Còn những nhà đầu tư, đầu cơ trung gian thu lợi nhuận rất nhiều. Quan trọng nhất với nhà đầu tư là lựa chọn đúng thời điểm thoát khỏi thị trường, kiểm soát dòng tài chính", ông Ánh nói.

Hai bộ cùng nhiều địa phương lao vào dập, liệu sốt đất có hạ nhiệt? - 2

Khu vực ven sông Hồng "sốt xình xịch" sau thông tin quy hoạch đô thị sông Hồng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cũng theo ông Ánh, muốn dập được "sốt đất", cần truy tận cùng xem nguyên nhân gì lại khiến thị trường "sốt" lên đùng đùng như thế. Không đi đúng vào nguyên nhân thì không thể "dập" được. Đối với những vụ "sốt" đất vì thông tin quy hoạch thì cơ quan quản lý cần minh bạch, công khai, tránh những chuyện lợi dụng quy hoạch...

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, "bong bóng" trong bất động sản không thể cứ lớn mãi mà đến một lúc nhất định phải bị "nổ" do mất cân bằng giá trị. Ai bán được lúc "bong bóng" sắp nổ thì được lãi lớn, ai phải bán sau khi "nổ" thì sạt nghiệp.

Chuyên gia này cho rằng, ở nước ta, hầu hết những cơn "sốt" đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Ví dụ như vụ "sốt" đất ảo xảy ra tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội), "ăn theo" thông tin về hai dự án của một tập đoàn lớn đề xuất nghiên cứu, triển khai. Việc "thổi" giá bằng nhiều chiêu trò của đám cò mồi đất khiến giá đất xung quanh dự án tăng chóng mặt, không ít người bị thua lỗ vì chỉ sau vài tuần giá đất đã trở về với điểm xuất phát ban đầu.

Những cơn "sốt" đất, "thổi" giá khiến các nhà đầu tư "mắc cạn", gây ra một thị trường bất động sản lộn xộn và khi đó nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy "mua tranh, bán cướp" trước đó thì hưởng lợi, còn nhóm cò mồi với nhiều chiêu trò thì trục lợi bất chính.

Theo ông Võ, tại mỗi địa phương, cắt "sốt" đất có thể thực hiện bằng 3 việc, bao gồm: Tạm dừng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt; giải tán các "chợ cóc" bất động sản do giới "cò nhà đất" lập ra; đề nghị báo chí vào cuộc để đăng tải những thông tin chính xác về tình trạng quy hoạch, những rủi ro gặp phải… nhằm không để hình thành hiệu ứng đám đông.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét lại việc cung cấp tín dụng cho kinh doanh bất động sản, nhằm ngăn chặn tình trạng "nổ" bong bóng bất động sản gây ra khủng hoảng tài chính.

Trước tình hình nêu trên, đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai… đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

"Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng "sốt" đất… Quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn", Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đề xuất.

Để dập các cơn "sốt" đất bùng lên, ông Đính cũng cho rằng cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm "sốt" đất, bất ổn ở địa phương.

Theo Hội môi giới, thị trường đất đai sau dịp Tết Nguyên đán ghi nhận tình trạng giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Nguyễn Khánh

Tin liên quan