Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây đã ban hành Thông báo số 180-TB/TU của Thành ủy Hà Nội về chủ trương chỉ đạo đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Tại văn bản trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề cập, ngày 10/3/2021, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, nghe Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến về chủ trương chỉ đạo đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Sau khi nghe Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình bày, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Tờ trình số 97-TTr/BCSĐ ngày 24/2/2021.
Thêm caption vào đây! (Giữ Backspace để xóa.) |
Giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, các ý kiến góp ý của Đảng đoàn HĐND thành phố, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Thành ủy và các ý kiến của chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng theo đúng quy định.
Đồ án phải bảo đảm tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và các quy hoạch có liên quan khác.
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu, bổ sung, cập nhật, hoàn thiện đồ án và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước khi phê duyệt đồ án theo đúng Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII.
Cấp ủy, UBND các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân; đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo báo cáo, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 - 320.000 người.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen...
Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng…
Nguyễn Khánh