Fica
  1. Bất động sản

Hà Nội: Thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất với nhiều dự án vi phạm

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Từ tháng 10/2012 đến 31/3/2018, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành 38 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các chủ đầu tư có dự án vi phạm với diện tích 990,38ha.

 

Hình minh hoạ.

38 quyết định thu hồi đất được ban hành trong 5 năm

Mới đây, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có đợt giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Kết quả giám sát cho thấy, UBND các cấp đã chủ động, quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố. Kết quả, tính đến hết quý I/2018, đã cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức được 17.233 thửa/19.247 thửa, đạt 89,54%.

Giai đoạn 2012-2017, Thành phố đã quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 1.914 dự án, với diện tích 4.082,4ha. Trong đó, đối với các dự án vốn ngoài ngân sách, Thành phố đã chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất (trong đó có cấp giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh cho 287 dự án; chấp thuận đầu tư và điều chỉnh cho 47 dự án; quyết định chủ trương và điều chỉnh cho 300 dự án); Quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 698 dự án với tổng diện tích 1.400ha.

Từ tháng 10/2012 đến 31/3/2018, UBND Thành phố đã ban hành 38 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các chủ đầu tư có dự án vi phạm với diện tích 990,38ha.

Từ năm 2013-2017, các ngành Thành phố đã thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung cho 80 dự án điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án. UBND Thành phố đã chỉ đạo sát sao nhiều biện pháp đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, kết quả từ năm 2012-2017 thu tiền sử dụng đất đạt 105.657 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều tồn tại

Báo cáo cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều.

Cụ thể, việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm tỷ lệ 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017 với hình thức và mức độ khác nhau, phổ biến vẫn là: Chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa (40 dự án), chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (47dự án), chậm hoàn thành công tác GPMB (22 dự án), chậm nghĩa vụ tài chính (04 dự án),…

Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án; Mê Linh 50 dự án; Nam Từ Liêm 48 dự án; Hoàng Mai 25 dự án; Bắc Từ Liêm 23 dự án... Cá biệt có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Ngoài ra, việc tổng hợp, thống kê, cập nhật theo dõi dự án vốn ngoài ngân sách triển khai trên địa bàn còn rất hạn chế, tổng hợp số dự án chậm, có dấu hiệu vi phạm luật Đất đai theo báo cáo của 30/30 quận huyện (383 dự án) có sự sai khác lớn với báo cáo của Sở Sở Tài nguyên và Môi trường (161 dự án). Một số đơn vị rất lúng túng, báo cáo không chính xác, không tổng hợp theo dõi, cập nhật thường xuyên dẫn đến báo cáo không đầy đủ, không đạt yêu cầu theo chức năng nhiệm vụ.

Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư đối với các dự án vốn ngoài ngân sách còn hạn chế. Không cập nhật theo dõi xuyên suốt dự án, thống kê số liệu thiếu tính đồng bộ, số liệu tổng hợp chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình thực hiện các dự án. Công tác hậu kiểm, giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định Luật Đầu tư còn hạn chế.

Nguyễn Mạnh