Fica
  1. Bất động sản

Hà Nội thông tin về "siêu dự án" Gamuda - Công viên Yên Sở

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo UBND thành phố Hà Nội, Gamuda Land Việt Nam đề nghị điều chỉnh chủ trương Khu chức năng đô thị Gamuda Central và Công viên Yên Sở trong khi chưa làm rõ tình hình thực hiện hợp tác đầu tư Khu B, tiềm ẩn những vấn đề có thể dẫn đến tranh chấp, cần được rà soát làm rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội thông tin về khu chức năng đô thị Gamuda Central và Công viên phía Nam Yên Sở.

Theo đó, Dự án xây dựng Công viên Yên Sở được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 31/12/2007, nhà đầu tư là Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia). Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam. Tổng vốn đầu tư là 846 triệu USD. Quy mô dự án khoảng 323 ha, trong đó 286,77ha xây dựng công viên; 35,6ha xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, thể thao và dịch vụ. Tiến độ thực hiện dự án theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng công viên, nạo vét lòng hồ hoàn thành trước ngày 10/10/2010 để chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; giai đoạn 2 hoàn thành các công trình còn lại năm 2015.

Về đất đai, theo UBND thành phố, Khu A tổng diện tích 125,5ha, gồm 2 phần: Khu công viên văn hoá và công viên Truyền thống diện tích khoảng 34,59ha, hiện trạng đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình và đưa vào sử dụng; khu chức năng đô thị và phần còn lại của công viên cây xanh đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (còn khoảng 920m2 chưa giải phóng mặt bằng) và đầu tư xây dựng khu văn phòng, dịch vụ trên các ô đất CC1, CC2, CQ1.

Khu B, tổng diện tích khoảng 191, 67ha, gồm: Khu công viên khoảng 149,68ha; khu đô thị khoảng 42ha. UBND thành phố chưa ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất; chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Về tiến độ thực hiện dự án, UBND thành phố cho biết, theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ thực hiện dự án theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng công viên, nạo vét lòng hồ hoàn thành trước ngày 10/10/2010, đến nay cơ bản đảm bảo tiến độ; giai đoạn 2 hoàn thành các công trình còn lại (năm 2015) đến nay chưa hoàn thành theo tiến độ.

UBND thành phố thông tin, ngày 8/7/2014, UBND thành phố có Thông báo 140 chỉ đạo một số nội dung điều chỉnh dự án, trong đó đồng ý việc dừng triển khai thực hiện Khu B của Dự án theo kiến nghị của Gamuda Land Việt Nam. Ngày 7/3/2017, UBND thành phố có Thông báo 144 giao Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT), Viện Quy hoạch xây dựng hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư T&M Việt Nam nghiên cứu lập quy hoạch Khu B.

Ngày 6/2/2018, UBND thành phố có Thông báo 121, chỉ đạo về việc triển khai dự án tại Khu B, theo đó, nếu Gamuda Land Việt Nam tiếp tục có nhu cầu đầu tư thì có văn bản đề xuất; trường hợp không tiếp tục đầu tư thì thực hiện theo Thông báo 140 ngày 8/7/2014; trường hợp hợp tác đầu tư, UBND thành phố ủng hộ, tạo điều kiện theo quy định pháp luật.

Ngày 6/11/2018, Gamuda Land Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư T&M Việt Nam có văn bản gửi UBND thành phố về việc hợp tác đầu tư Khu B. Ngày 4/11/2019, UBND thành phố có Thông báo 1324 đồng ý để Gamuda Land Việt Nam hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần đầu tư T&M Việt Nam đối với Khu B theo quy định của pháp luật và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại văn bản 7669 ngày 17/10/2019.

Năm 2020, công ty đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư trên cơ sở tách doanh nghiệp và dự án đầu tư cho từng khu (A và B) theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Quá trình thẩm định, Sở KH&ĐT nhận thấy Nghị định 118 hướng dẫn Luật Đầu tư chưa xác định rõ thẩm quyền điều chỉnh dự án có vốn FDI quy mô trên 5.000 tỷ đồng, vì vậy đã báo cáo thành phố phối hợp với Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 11/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 129 theo đó, giao UBND cấp tỉnh xem xét quyết điều chỉnh dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô trên 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư thì Luật Đầu tư mới có hiệu lực. Theo đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư từ năm 2021 đến nay, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 23/8/2021, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư lên Bộ KH&ĐT, tuy nhiên, đến ngày 13/5/2022, nhà đầu tư có văn bản xin rút toàn bộ các hồ sơ đã nộp về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để xem xét lại. Ngày 19/7/2022, nhà đầu tư nộp lại hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lên Bộ KH&ĐT.

Theo đó, các nội dung nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh gồm: Phạm vi dự án, Khu A và Khu B theo các quy hoạch được duyệt (không tách dự án như các nội dung đã được UBND thành phố thông báo); điều chỉnh mục tiêu dự án gồm nhiều nội dung, trong đó điều chỉnh mục tiêu dự án thành một khu chức năng đô thị, có nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư; điều chỉnh quy mô giảm từ khoảng 322,57ha xuống 297,26ha; điều chỉnh tổng vốn đầu tư, tăng từ khoảng 13.663 tỷ (846 triệu USD) lên 28.513 tỷ (1.229 triệu USD); điều chỉnh thời gian hoạt động dự án, từ 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (ngày 31/12/2007) thành 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất…; điều chỉnh tiến độ dự án dựa trên mốc thời gian được cấp giấy phép xây dựng và dự kiến hoàn thành năm 2028.

Sau khi được chỉ đạo của UBND thành phố theo đề nghị của Bộ KH&ĐT, Sở KH&ĐT đã có văn bản 3849 ngày 18/8/2022 lấy ý kiến các cơ quan liên quan để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố văn bản tham gia ý kiến. Theo UBND thành phố, Sở KH&ĐT đang tổng hợp ý kiến các sở, ngành để báo cáo UBND thành phố có văn bản tham gia ý kiến với Bộ KH&ĐT.

Sơ bộ cho thấy ý kiến của các sở, ngành liên quan còn một số nội dung cần được làm rõ hoặc bổ sung vì đây là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài từ 2007 đến nay nên quá trình tham gia ý kiến thẩm định cần kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan theo quy định pháp luật từng thời điểm.

Cụ thể, Gamuda Land Việt Nam đề nghị điều chỉnh chủ trương trong khi chưa làm rõ tình hình thực hiện hợp tác đầu tư Khu B giữa Gamuda Land Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư T&M Việt Nam theo chỉ đạo của UBND thành phố và các văn bản của hai bên. Việc này tiềm ẩn những vấn đề có thể dẫn đến tranh chấp, cần được rà soát làm rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Khu B của dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, khu đất thực hiện dự án có diện tích mặt nước chiếm tỷ lệ lớn, có mối liên hệ chặt chẽ với phần công viên và vai trò về cảnh quan, môi trường và thuỷ lợi. Dự án chưa phân định rõ phần diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh và phần diện tích sử dụng vào mục đích công cộng; chưa xác định cơ chế đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đối với phần diện tích công viên, mặt nước.

"Dự án có đề nghị xây dựng nhà ở thương mại, cần được thẩm định đầy đủ theo các quy định pháp luật về nhà ở. Theo giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ thực hiện dự án là năm 2015 nhưng đến nay chưa hoàn thành; cần được rà soát, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có căn cứ thực hiện theo các quy định pháp luật", UBND thành phố nêu.

Theo Trường Phong

Tiền Phong