Fica
  1. Bất động sản

Hà Nội: Sắp kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản hoạt động trên địa bàn thành phố.

Theo đó, công tác tổ chức kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản sẽ được Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện trong cả năm 2020. Cụ thể, trong quý I/2020, thực hiện kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản tại 3 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.

Nội dung kiểm tra là việc thực hiện các quy định pháp luật (quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản) của các sàn giao dịch bất động sản; kiểm tra các hoạt động, chế độ báo cáo theo quy định. Thông qua kết quả kiểm tra nhằm chấn chỉnh kịp thời, hướng dẫn, khắc phục các tồn tại, hạn chế, thiếu sót của các sàn giao dịch bất động sản được quy định tại Thông tư 28/2016/TT-BXD ngày 25/12/2016 của Bộ Xây dựng.

Theo số liệu của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 38 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, trong đó phần lớn tập trung tại các quận. Ngoài ra, còn một số sàn giao dịch bất động sản tại các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức.

Hà Nội: Sắp kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản - 1

Kiểm tra nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội. (ảnh minh hoạ) 

Theo thống kê của VARS, lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam hiện đạt tới 200.000 người hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập. Hàng năm, các môi giới kết nối thành công hàng vạn sản phẩm từ các đơn vị phát triển dự án đến người tiêu dùng. Riêng năm 2018, cả nước có trên 100.000 giao dịch thành công.

Mặc dù môi giới đóng một vai trò quan trọng trên thị trường bất động sản tuy nhiên, không phủ nhận rằng một số lượng rất lớn người hành nghề môi giới hiện nay chưa qua các khóa đào tạo kiến thức hành nghề để trang bị nền tảng kiến thức căn bản phục vụ cho công việc; phần lớn trong số chưa có chứng chỉ hành nghề.

Trong số 200.000 môi giới hiện nay, có 50% nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn. Phần còn lại đa số là nghiệp dư, trong đó có những người "tay ngang" chuyển nghề khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua và bán. Đây là thực trạng đáng báo động nhất hiện nay và chắc chắn là nguyên nhân căn bản khiến cho thị trường bất động sản phát triển kém bền vững do môi giới thiếu kiến thức và kém hiểu biết về pháp luật.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), môi giới bất động sản ở Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đội ngũ này đã làm tốt nhiệm vụ kết nối cung - cầu, định hướng giúp các nhà phát triển bất động sản tạo thị trường mới, sản phẩm mới phù hợp với xu thế thị trường và nhu cầu của khách hàng.

"Các nhà môi giới khi tham gia thị trường bất động sản cần có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng, tiêu chuẩn nhất định. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các nhà môi giới chuyên nghiệp và nghiệp dư. Một môi giới đúng nghĩa cần có đủ khả năng tư vấn toàn diện và đáng tin cậy cho nhu cầu của từng khách hàng", ông Đính khẳng định.

Theo Trần Kháng

Dân Việt

Tin liên quan