Sau 10 năm, khu Tây Hà Nội đã qua thời kỳ “vàng son”, giá trị BĐS cũng bắt đầu chững lại. Thay vào đó, trong 2 năm gần đây, giới đầu tư lại chuyển dòng vốn sang khu Đông, tìm kiếm cơ hội sinh lời từ BĐS.
Điều này đã khiến giá đất khu Đông tăng nhiệt, một số vị trí tại Kiêu Kỵ, Đồng Dư, Trâu Quỳ (Gia Lâm) đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước năm 2015.
Nhiều cây cầu nghìn tỷ đồng ở Hà Nội sắp xây dựng giúp BĐS khu Đông trở thành điểm sáng của thị trường. Ảnh: Ngọc Diệp
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS nhận định: “Trước năm 2010, khu Đông Hà Nội không được giới đầu tư chú ý, mặc dù rất gần trung tâm thành phố. Chỉ vài năm gần đây, khu vực này mới thực sự bứt phá, nhờ hệ thống hạ tầng, cầu vượt sông ngày càng hoàn thiện”.
Hiện nay, thị trường BĐS Hà Nội có sự phát triển không đều giữa các khu vực. Với quan sát của một chuyên gia, ông có nhận định gì về tiềm năng bất động sản các khu vực của Hà Nội?
Theo tôi, cho tới hiện tại và cả tương lai, khu vực trung tâm vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” của thị trường BĐS Hà Nội. Bởi, khu vực này, biên độ lợi nhuận, tính thanh khoản đều cao vượt trội so với khu vực khác.
Trong khi đó, khu Tây đã trở nên bão hòa, một số khu vực thuộc quận Nam Từ Liêm đã không còn đủ quỹ đất để phát triển các dự án lớn, giá đất cũng đã đạt “đỉnh” từ lâu. Tuy nhiên, một số khu vực xa hơn như Hòa Lạc, Thạch Thất vẫn còn cơ hội nhờ một số dự án lớn chuẩn bị đổ bộ vào đây.
Ngược lại, trong vài năm gần đây, sự nổi lên nhanh chóng của khu Đông Hà Nội, bao gồm quận Long Biên, Gia Lâm và khu Bắc Hà Nội đang khiến nhiều nhà đầu tư chú ý đến, khiến khu vực này trở thành tâm điểm của thị trường BĐS Hà Nội. Khu vực này đã tăng trưởng gấp 30 lần so với trước năm 2010.
Trong khi đó, khu Nam, bao gồm Hoàng Mai, Thanh Trì là nơi có kém phát triển nhất, nếu xét dưới góc độ của thị trường BĐS. Lý do khiến khu Nam bị “bỏ rơi” là do khu vực này là vùng trũng, là rốn lũ của Hà Nội, hạ tầng khu vực này cũng chưa thực sự được đồng bộ. Vì vậy, hiếm có “ông lớn” nào đầu tư vào khu vực này.
BĐS Khu Đông trở thành tâm điểm của thị trường Hà Nội nhờ hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trong ảnh là KĐT Ecopark.
Theo ông, đâu là những lý do khiến khu Đông trở thành tâm điểm của thị trường BĐS Hà Nội?
Thứ nhất, khu Đông gần trung tâm thành phố. Nếu xét điểm đầu của quận Long Biên, chỉ cách trung tâm Hà Nội (khu vực Bờ Hồ Hoàn Kiếm) chưa tới 3 km.
Thứ hai, khu Đông có quỹ đất còn tương đối thoải mái cho các “ông lớn” tranh phần. Giá đất khu vực này vẫn còn “mềm” hơn nhiều so với các khu vực khác của Hà Nội. Như vậy, khi phát triển dự án, chủ đầu tư sẽ không mất quá nhiều chi phí để giải phóng mặt bằng.
Thứ 3, hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, với hàng loạt dự án cầu vượt sông Hồng được xây dựng và hoàn thiện. Bên cạnh một số cầu đang sử dụng như Chương Dương, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Thanh Trì;... Ngoài ra, Hà Nội lại chuẩn bị xây thêm một số cầu vượt sông nữa như cầu Trần Hưng Đạo,....
Bên cạnh đó, khu vực này còn có mạng lưới giao thông, đường cao tốc hiện đại kết nối các tỉnh phía Đông như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng vào khu vực trung tâm Hà Nội.
Khu Đông Hà Nội đang có hàng loạt dự án đô thị, khu đô thị "khủng"
Cuối cùng, khu Đông Hà Nội đang có hàng loạt dự án đô thị, khu đô thị “khủng”, với số tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Gia Lâm và Đông Anh chuẩn bị lên quận cũng là một yếu tố quan trọng tác động mạnh tới thị trường BĐS.
Có thể nói, hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để thị trường BĐS bứt phá. Trước đây, khu Đông Hà Nội giống như “cô công chúa đẹp” mà ai cũng muốn tranh phần, thế nhưng, do sự ngăn cách của sông Hồng, nên ít nhà đầu tư mạo hiểm lựa chọn khu vực này. Tuy nhiên, bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi, và khu Đông thực sự trở thành điểm sáng của thị trường.
Bên cạnh lợi thế, điều gì đang là “vách ngăn”, cản trở sự tăng trưởng của thị trưởng BĐS khu Đông, thưa ông?
Như tôi đã nói, sông Hồng chính là rào cản của thị trường BĐS khu Đông Hà Nội. Nếu giải quyết được điều này, thị trường BĐS khu Đông sẽ thăng hoa.
Hiện nay, Hà Nội đã có tổng cộng 8 cầu vượt sông, trong nội thành có 6 cầu, nhưng điều đó là chưa đủ.
Bởi vì, Hà Nội có đặc điểm kinh tế - xã hội hơi mâu thuẫn với nhau, thiếu sự đồng bộ. Trong đó, kinh tế phát triển trước hạ tầng 10 năm. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế Hà Nội phát triển mạnh vào năm 2020, nhưng hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở lạc hậu, chỉ đáp ứng được nhu cầu vào năm 2010.
Điều này cho thấy rằng, đáng nhẽ Hà Nội nên xây thêm cầu từ nhiều năm trước, chứ không phải chờ tới năm 2020 mới công bố hàng loạt dự án mới.
Ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS khu Đông trung và dài hạn?
Ở khu Đông không có khoảng cách trung hay dài hạn. Bởi vì, hiện tại hoặc 10 năm, 20 năm nữa, khu Đông vẫn sẽ là điểm nhấn của thị trường BĐS Hà Nội. Tuy nhiên, để thực sự có đà bứt phá, khu Đông còn phải chờ 5 năm nữa. Thời điểm mà các cây cầu mới được xây dựng xong.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Việt Vũ