Mới đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có văn bản gửi Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đề nghị bảo tồn Cung Thiếu nhi cũ cạnh Hồ Gươm sau khi Hà Nội khởi công xây dựng Cung Thiếu nhi mới. Nhiều chuyên gia lo ngại, khu "đất vàng" này sẽ bị nhồi dự án cao ốc giống như nhiều ô đất khác ở Hà Nội thời gian qua.
Cung Thiếu nhi (Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có những công trình mang tính lịch sử Ảnh: Như Ý
Trả lời báo chí quanh việc Hà Nội sẽ làm gì với "đất vàng" mặt đường phố Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) sau khi Cung Thiếu nhi mới tại Cầu Giấy được hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với khu vực này. Dự án mới sẽ mất tới 2-3 năm nữa để hoàn thành. Vì vậy, hiện tại, các phương án sử dụng khu đất này đang được Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện tại chưa có thông tin chính thức Hà Nội sẽ sử dụng Cung Văn hóa Thiếu nhi ra sao, phá hủy hay giữ nguyên trạng… Tuy nhiên, với khuôn viên công trình rộng hơn 8.100m2, nằm ở vị trí đắc địa của quận Hoàn Kiếm là đích ngắm của các nhà đầu tư bất động sản… nên dư luận xã hội không thể không lo ngại.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt vấn đề: Hà Nội từ năm 1975 đến nay đã xây dựng cho thiếu nhi được bao nhiêu công trình?
Theo ông Tùng, việc xây dựng cho thiếu nhi cung văn hóa mới rất tốt nhưng chưa đủ. Đối với Cung Thiếu nhi cũ, hơn 8.000m2 ở quận Hoàn Kiếm, nơi được ví như đất vàng, đất kim cương ông Tùng nhấn mạnh không nên chuyển đổi diện tích đất này sang xây chung cư hay nhà cao tầng, bởi đây là công trình phúc lợi xã hội.
"Hơn nửa thế kỷ qua, biết bao thế hệ người Hà Nội đã gắn bó với Cung Thiếu nhi, coi đó như ngôi nhà tuổi thơ. Hãy để Cung Thiếu nhi cũ là nhà văn hóa thiếu nhi quận Hoàn Kiếm. Không nên chuyển đổi mục đích ở đây", ông Tùng nói.
Không nên đập bỏ
Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, hồi bé ông cũng học tại Cung Thiếu nhi này. "Với tôi đây là một bầu trời ký ức và là quá khứ của nhiều người Hà Nội. Ngày nay, đây vẫn là nơi nhiều cháu thiếu nhi mong được đến", ông Hải nói.
Cung Thiếu nhi Hà Nội mới dự kiến được xây tại Khu đô thị Cầu Giấy, tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng hoàn thành vào năm 2024.
Theo ông Hải, trong quy hoạch Hà Nội cung thiếu nhi là không gian công cộng. Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội có những công trình gắn bó với lịch sử có giá trị nhất định như 2 biệt thự Pháp cổ và tòa nhà điều hành. Khi kiến trúc sư thiết kế đã tôn trọng nguyên trạng và đưa kiến trúc của Nga vào.
"Phải khẳng định trong Cung Thiếu nhi có nhiều kiến trúc đẹp. So với nhu cầu sử dụng bây giờ có thể có những chỗ chưa hợp lý nhưng công trình này ghi dấu ấn của một thời kỳ về kiến trúc cần giữ lại", ông Hải nói.
Còn bà Trần Thị Lan Anh, nguyên Cục phó Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, thời đại bây giờ nhìn cung thiếu nhi thấy rất đơn giản nhưng nó mang ý nghĩa của thời đại, gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi Hà Nội.
"Muốn phá đi làm gì cũng phải cân nhắc. Muốn đổi gì thì đổi phải làm tốt hơn cho thiếu nhi, để nơi đây vẫn là không gian của cộng đồng, thiếu nhi có thể vào đó một cách thuận lợi nhất", bà Lan Anh nói.
Theo Ngọc Mai
Tiền Phong