Fica
  1. Bất động sản

Hà Nội: Cả nghìn cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội vừa có cuộc làm việc với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực.

Hình minh hoạ.

Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 1.147 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Trong đó, 347 cơ sở là trường học; 372 nhà chung cư, nhà tập thể, nhà cho thuê để ở; 198 xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa; 29 bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh; 29 chợ; 18 công trình công cộng, tập trung đông người; 9 cơ sở nghiên cứu; 11 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách; 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 3 trạm điện, trạm biến áp; 1 trạm nạp LPG.

Theo đại diện Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, thời điểm này phải hoàn thành việc phê duyệt kinh phí và đang triển khai thực hiện, nhưng đến nay chưa quận, huyện, thị xã nào thực hiện được đối với những cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND. Nguyên nhân là do số lượng cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết tăng nhiều so với giai đoạn khảo sát sơ bộ bước đầu (tăng 555 cơ sở). Công đoạn rà soát từng nội dung tồn tại, đưa ra giải pháp khắc phục đối với cơ sở phát sinh sau giai đoạn khảo sát ban đầu mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ, lộ trình thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, một số nội dung, yêu cầu cần thực hiện đối với cơ sở thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết để đáp ứng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành quy định là rất cao và khó thực hiện, cần phải có ý kiến của cơ quan bộ, ngành trung ương, nhất là những nội dung liên quan đến kiến trúc, kết cấu công trình như thiếu số lượng thang bộ, thang bộ bên trong nhà để hở,…

Tuy nhiên, sau khi trực tiếp đi giám sát tại nhiều quận, huyện, Ban Pháp chế cho rằng thực tế con số này còn lọt rất nhiều. Hơn 1.500 khu tập thể cũ chưa hề đưa vào thống kê, trong khi đây là đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết, có nguy cơ cao về cháy nổ. Chưa kể, các biện pháp triển khai đảm bảo an toàn phòng cháy ở các khu tái định cư vẫn nằm trên giấy, chưa có chuyển động gì.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, có rất nhiều cách khắc phục ngay mà không cần nhiều kinh phí nhưng địa phương cơ sở chưa làm, đó là trang bị bình bọt, hệ thống điện, chuông báo cháy, và đặc biệt là giải tỏa ngay những vi phạm lấn chiếm lối thoát hiểm các khu nhà tập thể cũ đang rất tràn lan.,

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết: mỗi năm, thành phố bình quân xảy ra gần 900 vụ cháy nên đây thực sự là một nhiệm vụ nóng bỏng. 

Ông Sửu yêu cầu Sở Xây dựng rà soát phân loại toàn bộ các loại hình nhà chung cư và tập thể cũ, cùng với các cơ sở đã thống kê, lên kế hoạch khắc phục theo phân kỳ, có lộ trình, dần từng bước. Các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí nguồn vốn để triển khai nhiệm vụ cấp bách này.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết việc lựa chọn những cơ sở được xây dựng từ trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực, nghĩa là các cơ sở đều có tuổi thọ ít nhất 17 năm. Việc khắc phục là rất khó nhưng không thể không làm.

Theo đó, ông Tuấn yêu cầu cần có các giải pháp cụ thể khắc phục ngay 1.147 cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC đã được UBND thành phố tổng hợp rà soát.

Nguyễn Mạnh