Fica
  1. Bất động sản

Giá thép tăng sốc gây khốn đốn ngành xây dựng, có gì bất thường?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng. Khi giá thép tăng vọt, cả ngành xây dựng khốn đốn.

Không thiếu hụt nguồn cung, vì sao giá thép tăng sốc?

Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) mới đây tiếp tục đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiểm tra, xử lý triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC - cho biết, thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng. Giá thép tăng vọt dẫn đến cả ngành xây dựng khốn đốn. Thậm chí theo ông, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận", phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến.

Giá thép tăng sốc gây khốn đốn ngành xây dựng, có gì bất thường? - 1

Không chỉ thép mà giá các nguyên vật liệu khác cũng nhấp nhổm tăng giá khiến ngành xây dựng khốn đốn.

Thông thường, giá thép chiếm 20% trong công trình xây dựng nên khi giá mặt hàng này tăng lên 40-45% thì giá thành xây dựng tăng cao. Chưa kể, không chỉ thép, các nguyên vật liệu khác cũng nhấp nhổm tăng giá.

Đáng lưu ý, theo băn khoăn của lãnh đạo VACC, lượng thép trên thị trường không thiếu, như vậy không phải giá tăng do nguồn cung thiếu hụt. Thực tế, doanh nghiệp mua bao nhiêu thép cũng đủ nhưng giá vẫn tăng.

Nói với Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Đính Ánh cũng cho biết, theo phản ánh thì thấy giá cả nhiều số nhóm hàng hóa tăng, trong đó thép tăng rất cao. "Tuy nhiên câu hỏi tại sao giá thép lên thì tôi chưa thấy có giải thích nào rõ ràng", ông Ánh cho biết. Cũng theo vị này, cần tìm hiểu rõ việc tăng giá là vì sao, nếu bất hợp lý gây rủi ro kinh tế thì phải xem xét.

Trước những biến động của ngành thép, ngày 5/6, Bộ Công Thương đã lên tiếng trả lời lý do tăng giá mặt hàng này. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, trong thời gian gần đây giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu mà dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương dẫn đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế OECD cho biết, kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại trong năm 2021 với mức tăng trưởng 4,2%.

Đối với ngành thép theo dự báo của Worldsteel Association (Hiệp hội thép thế giới), sản xuất và tiêu thụ thép thô thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 4,5% và tiêu thụ tăng trưởng ở mức 4,2%. Nhu cầu tại các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 9,4% cũng là một trong những nguyên nhân làm giá thép tăng.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, năng lực nguồn cung thì thừa nhưng "cung ứng" ra thị trường lại vấn đề khác. Bởi dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.

Trong công văn kiến nghị của Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam có nêu nghi vấn liệu "có sự bắt tay" của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao, tuy nhiên Bộ Công Thương khẳng định, nghi vấn này không có cơ sở.

Tăng giá thép, chưa biết bao giờ là điểm dừng?

Theo Bộ Công Thương, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất và thị trường trong nước. Như vậy, cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD ). Do đó, theo Bộ Công Thương, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý 2/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý 3/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác. Trong nước, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý I/2021 tăng khá cao so với những nhận định trước đó.

Riêng đối với những khó khăn của ngành xây dựng khi vật liệu xây dựng tăng giá, Bộ Công Thương cho biết, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Đồng thời chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế trong năm 2021 để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm thép các loại giúp các doanh nghiệp ngành chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan