Phần lớn các giao dịch bất động sản trong quý II vừa qua đã thực hiện từ trước đại dịch và được tiến hành ký hợp đồng mua bán trong quý này.
Đại diện JLL Việt Nam vừa cho biết, nguồn cung căn hộ được chào bán ở TP.HCM trong quý II cao gần gấp đôi so với quý I/2020 với 3.820 căn.
Tuy nhiên, JLL cũng vẫn lưu ý, lượng cung này chỉ bằng một phần ba so với mức trung bình hàng quý trong giai đoạn bùng nổ 2017-2018, vì những lo ngại về pháp lý tiếp tục là chủ đề nóng của thành phố.
Về lượng căn hộ bán được trong quý II, JLL cho biết, con số này đạt 3.855 căn, gần tương đương cùng kỳ năm trước nhưng cao gấp đôi so với quý I/2020. Phần lớn các giao dịch đã thực hiện từ trước đại dịch và được tiến hành ký hợp đồng mua bán trong quý này.
Nhu cầu chủ yếu là mua để ở, trong đó phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu với 83% trên tổng số giao dịch. Đối với thị trường đầu tư, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng và do dự trong việc xuống tiền trong bối cảnh xuất hiện những bất ổn về tài chính, vì nguy cơ sa thải và cắt giảm lương vẫn còn tiếp diễn.
Đáng lưu ý, JLL cho biết, giá bán vẫn có xu hướng tăng bất chấp tình hình kinh tế chưa ổn định. Dưới tác động của Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã có những ưu đãi như gia hạn lịch thanh toán cho khách. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lành mạnh từ thị trường, phần lớn các dự án đều ghi nhận mức giá tăng nhẹ từ 1-3% so với quý trước.
JLL dự báo sẽ có khoảng 15.000-20.000 căn hộ được chào bán trong 6 tháng cuối năm, nâng tổng nguồn cung cả năm 2020 lên 20.000-25.000 căn. Ngay cả khi thị trường đạt được lượng cung tối đa như dự báo, con số này vẫn thấp hơn so với tổng nguồn cung trung bình trong giai đoạn 2017-2019 khi có ít nhất 30.000 căn mở bán mỗi năm, vì các vấn đề pháp lý và sự không chắc chắn về kinh tế vẫn đang tiếp diễn.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng từng cho biết, vừa qua thị trường nhà ở giao dịch sụt giảm rất nhiều do đại dịch, tuy nhiên giá nhà không giảm mà còn tăng vì nhu cầu ở thực vẫn còn rất cao.
Trong khi đó, theo ông Ninh, nguồn cung về nhà ở sụt giảm. “Không phải do đại dịch Covid-19 mới giảm mà có “triệu chứng” từ trước rồi”, ông Ninh cho biết cần tháo gỡ khó khăn về thể chế để giải toả nút thắt về nguồn cung.
“Một số các dự án bị tạm dừng, đình hoãn từ các năm trước, đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý” - ông Ninh cho biết, giá nhà ở phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Cầu tăng cung giảm thì giá sẽ tăng. Cung tăng cầu giảm, giá sẽ giảm.
Nguyễn Mạnh