Fica
  1. Bất động sản

Giá đất hàng loạt nơi bỗng dưng tăng "nóng", lô xấu vẫn được hỏi mua

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo Hội môi giới, thời gian qua, nhiều địa phương có giá đất tăng chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020. Những lô đất tại khu vực xấu vẫn được nhiều người tìm mua.


Nhiều nơi giá gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước

Lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam vừa đưa ra một số thông tin đáng chú ý về thị trường đất trong cơn "sốt nóng" sau dịp Tết nguyên đán vừa qua.

Cụ thể, một số khu vực như Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tây Nguyên… được liệt kê trong danh sách có giá đất tăng "nóng".

Tại Bắc Giang, lãnh đạo Hội môi giới cho biết tính đến hết quý I/2021, tỉnh này có tổng số hơn 50 dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai. Trong đó, 27 dự án đã đủ điều kiện bán hàng.

Tuy nhiên, "sức nóng", theo Hội môi giới, lại tập trung ở các dự án đang phát triển (chưa đủ điều kiện bán hàng) bởi khả năng sinh lời cao. Đất ven khu công nghiệp sôi động, đặc biệt là tại TP. Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng. Ở khu vực này, ven 4 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, giá dao động 25-40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50-70% so với cuối năm 2020.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Hội môi giới, từ cuối tháng 3, với việc chính quyền bắt đầu siết chặt lại các hoạt động mua bán, thị trường chững lại.

Còn tại Hải Phòng, lãnh đạo Hội môi giới cho biết, tại các vùng ven thành phố, hoạt động mua bán đất trong dân diễn ra sôi động. Giá hiện tại dao động 8-15 triệu đồng/m2. So với cuối năm 2020, giá trung bình tăng 60-70%.

Ở Thanh Hóa, sau Tết Nguyên đán, giá đất tại hầu khắp địa phương đều tăng đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn.

Giá đất hàng loạt nơi bỗng dưng tăng nóng, lô xấu vẫn được hỏi mua - 1

Hàng dài xe ô tô đến tham gia đấu giá 23 lô đất tại một xã vùng nông thôn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa vào đầu tháng 4/2021 (Ảnh: Trần Lê).

Cụ thể theo Hội môi giới, từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương Thanh Hóa đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020.

"Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua", lãnh đạo Hội môi giới chia sẻ.

Theo thống kê của đơn vị này, hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Thị trường đã dần ổn định

Sốt đất cũng "càn quét" khu vực Tây Nguyên - một trong những khu vực có tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng mạnh, nhiều doanh nghiệp lớn chọn làm nơi dừng chân.

Trong quý I/2021, hiện tượng người dân san lấp đất rừng, đất ruộng,… để bán trái quy định pháp luật diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến việc đầu tư phát triển các dự án và sức tiêu thụ từ các sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, lãnh đạo Hội môi giới cho biết.

Trước đó, theo số liệu của Bộ Xây dựng, bước vào quý I/2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động dù lượng giao dịch bất động sản theo qua theo dõi của Bộ chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý IV/2020.

Giá bất động sản ghi nhận tăng. Đặc biệt trong thời gian qua, giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, một số nơi vùng ven như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận... có hiện tượng tăng giá đất nền một cách cục bộ nhưng rất nhanh.

Tuy nhiên mới đây nhất, khi đề cập về thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết quý I/2021 đã có những biến động cục bộ nhưng đã dần ổn định trở lại nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tham mưu và chính quyền các địa phương.

Nguyễn Mạnh