Fica
  1. Bất động sản

Giá căn hộ huyện ngoại thành leo mốc mới, có hay không "đại gia" ăn dày?

Giá bất động sản tăng cao, đắt đỏ: Doanh nghiệp "ăn dày" hay vì đâu?; Một huyện ngoại thành Hà Nội lập kỷ lục về giá bán căn hộ, mức gây choáng... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Một huyện ngoại thành Hà Nội lập kỷ lục về giá bán căn hộ, mức gây choáng

Thông tin trên được đưa ra tại báo cáo mới nhất của JLL về thị trường căn hộ bán tại Hà Nội.

Theo số liệu JLL đưa ra, giá bán sơ cấp trung bình đạt 1.531 USD m2 trong quý cuối năm, tăng 1,4% theo quý và 2,8% theo năm. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận tốc độ tăng giá tại các quận ngoại thành như Nam Từ Liêm và Gia Lâm cao hơn các quận nội thành trong những thời gian gần đây giúp thu hẹp khoảng cách giá giữa hai khu vực, phần lớn nhờ kết nối giao thông vùng liên tục được cải thiện cùng xu hướng phát triển các khu đại đô thị ở ngoại ô thành phố.

Đặc biệt, trong quý vừa qua, JLL cho biết, huyện Gia Lâm lần đầu tiên ghi nhận giá bán sơ cấp của một dự án mở bán mới đạt mức gần 44 triệu đồng/m2.

Giá căn hộ huyện ngoại thành leo mốc mới, có hay không đại gia ăn dày? - 1

Tính cả năm 2020, tỷ lệ bán căn hộ đạt hơn 65%, ghi nhận mức tương tự như các năm trước, cho thấy nhu cầu ổn định trên thị trường.

Bất động sản năm 2021: Phân khúc nào sẽ "lên hương", mảng nào trầy trật?

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết, năm 2021, phân khúc tốt nhất vẫn là đất nền. Đây được coi là nơi trú ẩn dòng tiền an toàn và khả năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Vũ Sinh Nhật - Giám đốc một sàn môi giới ở Hà Nội cũng cho rằng đất nền sẽ là kênh thu hút dòng tiền trong năm mới. "Người Việt Nam luôn coi mảnh đất là tài sản lớn. Đất đấu giá, đất phân lô, đất tái định cư… mấy năm trở lại đều có khả năng tiêu thụ cao", ông Nhật chia sẻ.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho biết, năm 2021, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Mặt khác, theo ông Khương, đối với thị trường bất động sản văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn.

Giá nhà Hà Nội sẽ tăng hay giảm trong năm 2021?

Theo thống kê của CBRE, giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý 4/2020 được ghi nhận ở mức trung bình khoảng gần 33 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 3% theo năm.

"Đáng lưu ý, các dự án cao cấp lần đầu được giới thiệu tại khu vực Gia Lâm, Long Biên, thiết lập mặt bằng giá mới tại khu phía Đông. Ngoài ra các dự án mới mở bán tại các khu đô thị khắp Hà Nội cũng đưa ra mức giá cao hơn các dự án mở bán trước đây. Các yếu tố này đóng góp vào sự tăng trưởng giá của thị trường Hà Nội ", đại diện CBRE cho biết.

Bước sang năm 2021, chuyên gia CBRE dự báo giá bán sẽ tăng khoảng 4-6% theo năm trong năm 2021 , thúc đẩy bởi sự mở bán của các dự án cao cấp tại các vị trí đắc địa. Trong khi đó, mức tăng giá của các dự án mới tại các địa điểm nhà ở mới sẽ được kiểm chứng.

Tỷ lệ "ế" cao nhất 10 năm, "đất vàng" Hà Nội cũng phải "bật khóc"

Trong báo cáo vừa công bố, đại diện CBRE Việt Nam cho biết, năm 2020, lĩnh vực bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Giá căn hộ huyện ngoại thành leo mốc mới, có hay không đại gia ăn dày? - 2

Nhiều cửa hàng trầy trật vì chưa có khách thuê.

Theo đó, bất động sản bán lẻ cũng chứng kiến một số tác động đáng kể trong năm đại dịch bùng phát. Thống kê của CBRE cho thấy, tại Hà Nội, mặt bằng bán lẻ có tỷ lệ trống tăng ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm.

Tại khu vực trung tâm, tỷ lệ trống tăng 12,9% so với cùng kỳ, đạt 14,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Đồng thời, tỷ lệ trống ở khu vực ngoài trung tâm tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 12,3%.

Giá bất động sản tăng cao, đắt đỏ: Doanh nghiệp "ăn dày" hay vì đâu?

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng giá nhà ở một số trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM đang quá cao so với thu nhập người dân. Nếu chỉ làm công ăn lương với mức thu nhập bình quân thì quá khó để mua nhà ở Hà Nội hay TP.HCM.

Đáng lưu ý theo vị chuyên gia, giảm giá nhà ở Việt Nam vẫn còn dư địa nhưng chúng ta chưa làm tốt vấn đề này. Doanh nghiệp cần nỗ lực việc giảm chi phí, đổi mới vật liệu, thay đổi công nghệ, tăng năng suất lao động lên.

"Nhiều chủ đầu tư cũng chia sẻ rằng "chúng em không ăn dày như mọi người nghĩ đâu". Quả thực là doanh nghiệp cũng phải gánh nhiều chi phí, tôi thấy doanh nghiệp ở Việt Nam "khổ" chứ không sung sướng gì. Một doanh nghiệp mà không có những cơ chế "mềm" cũng khó sống được", ông Võ nói.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)