Fica
  1. Bất động sản

Dự báo bất ngờ: Đất sẽ ngừng "sốt", có nơi giảm giá, bán cắt lỗ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chuyên gia cho rằng, giá đất trong quý 2 sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý 1. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

Sốt đất gây nhiều hệ lụy về kinh tế. Ảnh: Phước Tuấn/ĐĐK.

Đề cập đến phân khúc đất nền trong báo cáo quý 1/2021 vừa được công bố, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương.

"Giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật", lãnh đạo Hội môi giới nhận định.

Theo báo cáo Hội môi giới, đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…. xuất hiện thường xuyên trên thị trường.

Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.

Trước tình trạng trên, đến cuối quý 1/2021, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ kiểm soát các hoạt động mua - bán trái quy định pháp luật. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, tạo sóng gây sốt đất để trục lợi.

Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, lãnh đạo Hội môi giới dự báo giá đất trong quý 2 sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý 1. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

"Đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh", lãnh đạo Hội môi giới nhận định.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, vừa qua với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành cùng chính quyền địa phương, thị trường đã có những dấu hiệu "hạ nhiệt".

Theo vị này, hiện tượng tụ tập theo đám đông, đến rồi đua nhau mua bán "xôn xao" đã giảm rõ rệt. Giá đất cũng không bị đẩy lên khi chính quyền các địa phương có những biện pháp quyết liệt. Khi không còn nhiều người đổ xô vào nữa thì giá đất sẽ không có cơ hội bị "thổi", giá cả sẽ sớm quay về giá trị thực.

"Tất nhiên vẫn sẽ có những khu vực tăng giá do quy hoạch, đúng bản chất thị trường. Còn nhìn chung cơ bản từ giờ đến cuối năm tôi cho rằng thị trường sẽ bình ổn hơn. Chính quyền các nơi sẽ có những biện pháp tốt hơn để kiểm soát vì những cơn sốt đất như thời gian qua ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế chung", lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.

Hàng loạt kiến nghị để bình ổn thị trường bất động sản

Trước tình trạng sốt đất tại nhiều địa phương trên cả nước, Hội môi giới bất động sản Việt Nam đã đưa ra một loạt kiến nghị.

Cụ thể như chính quyền các địa phương cần phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,… đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo.

Quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn.

Cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.

Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh phê duyệt phát triển dự án tạo nguồn cung cho thị trường.

Nguyễn Mạnh - Thế Hưng

Tin liên quan