Fica
  1. Bất động sản

Dự án nghìn tỷ gây tranh cãi, Hà Nội chưa chốt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Soi phương án kiến trúc gây tranh cãi của cầu Trần Hưng Đạo; Hà Nội chưa "chốt" kiến trúc "xứ Đông Dương" của cầu Trần Hưng Đạo... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Soi phương án kiến trúc gây tranh cãi của cầu Trần Hưng Đạo

Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án. Trong đó, phương án 3 được nhiều thành viên lựa chọn nhất với 13/15 phiếu tán thành; phương án 1 và 2 cùng được 1/15 thành viên hội đồng lựa chọn.

Ngay sau khi thông tin về phương án kiến trúc cây cầu được công bố, nhiều chuyên gia lên tiếng góp ý, phản biện. Đã có những ý  kiến cực gay gắt liên quan đến kiến trúc cây cầu này, đa số là phản đối. Trong khi đó, đại diện đơn vị thiết kế khẳng định sẽ cầu thị, lắng nghe, tiếp thu để làm sao hướng tới sản phẩm đẹp hơn, nhận được sự đồng thuận cao nhất.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, đến nay vẫn chưa "chốt" phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức triển lãm, trưng cầu lấy ý kiến rộng rãi về các phương án thiết kế kiến trúc.

Dự án nghìn tỷ gây tranh cãi, Hà Nội chưa chốt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo - 1

Phương án 3 "xứ Đông Dương".

Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Chúng tôi không sao chép, chắp vá

Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo với phong cách Xứ Đông Dương gây nhiều tranh luận. Chia sẻ với Dân trí, Tổng giám đốc TEDI - đơn vị thiết kế - đã giải thích một số vấn đề được quan tâm.

"Phải chia sẻ rằng cây cầu là dự án lớn, để lại dấu ấn, mang tính biểu tượng thành phố. Là con dân Hà Nội, chúng tôi cần có trách nhiệm với Hà Nội. Chúng tôi không làm cho có, làm vô trách nhiệm", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết: Chúng tôi cầu thị, muốn tạo ra sản phẩm để lại dấu ấn. Về cái đẹp thì mỗi người nhìn một góc nhìn. Rất khó để nói. Đó là do cách nhìn. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của các chuyên gia để hướng tới sự đồng thuận cao nhất.

Hiện chúng tôi vẫn tiếp thu, gọt giũa làm sao để có kết quả đẹp nhất, tốt nhất. Nhưng có một điểm tôi xin được khẳng định, chúng tôi "không đi sao chép", thứ hai là chúng tôi hướng tới bản sắc Hà Nội.

Dự án nghìn tỷ gây tranh cãi, Hà Nội chưa chốt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo - 2

Phong cách cầu Trần Hưng Đạo nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Hà Nội chưa chốt kiến trúc "xứ Đông Dương" của cầu Trần Hưng Đạo

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, đến nay vẫn chưa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Theo đó, thành phố mới giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội mới chấp thuận Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo theo phương án PPP, loại Hợp Đồng BOT trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.

Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo - PV) cho biết, đây chưa phải là phương án cuối cùng để phê duyệt dự án đầu tư mà đây chỉ là phương án định hướng, sơ bộ ban đầu, trong quá trình sẽ hoàn thiện dần.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Xây đường 2 bên sông, 6-8 làn xe

Tại tọa đàm "Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng" do Diễn Đàn Doanh Nghiệp vừa tổ chức, nhiều bàn luận được đưa ra xung quanh quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội - cho biết, phân khu đô thị sông Hồng được xác định dựa trên dân số của 53 phường xã  thuộc 13 quận huyện Hà Nội.

Đề cập đến một trong những nội dung quan trong quy hoạch phân khu, bà Hương cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy, phát triển các hướng tiếp cận với sông Hồng, kết nối giao thông dọc sông và qua sông cho các loại phương tiện.

Trong đó có việc xây dựng tuyến đường 2 bên ven sông, tạo thành hai trục giao thông song song, kết nối dọc sông, quy mô có thể 6-8 làn xe tùy đoạn. Tuyến đường này góp phần cải tạo chỉnh trang diện mạo đô thị, là ranh giới chống lấn chiếm của dân cư ven sông.

Dự án nghìn tỷ gây tranh cãi, Hà Nội chưa chốt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo - 3

Một số bãi ven sông Hồng được đề xuất sẽ phát triển không gian mở tùy từng địa hình như quảng trường, công viên, phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao, du lịch ven sông... (Ảnh: Tiến Tuấn).

 Những khu chung cư cũ nào ở Hà Nội sắp được xây lại?

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đồng ý về chủ trương đối với nội dung đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.

Nghị quyết nêu rõ cần tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn thành phố và một số khu chung cư được lựa chọn triển khai ban đầu có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân..., để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tạo tác động lan tỏa trong toàn thành phố.

Nỗi khổ của "đại gia" phía sau cảnh bán tháo khách sạn

Một sàn giao dịch bất động sản ở Đà Nẵng đưa thông tin rao bán với danh sách lên tới vài chục khách sạn cùng một lúc. "Tổng hợp khách sạn Đà Nẵng cần bán gấp vì Covid-19, gần biển, giá tốt" - lời rao hấp dẫn từ phía sàn môi giới đi kèm với vài chục địa chỉ khách sạn cần rao bán. 

Cũng như đa số các nước trên thế giới, ngành du lịch khách sạn tại Việt Nam đang hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề, đặc biệt là trong làn sóng dịch thứ tư này, do những quy định về đóng cửa biên giới quốc tế, hạn chế các đường bay trong nước và các biện pháp giãn cách xã hội. 

Theo khảo sát trên một loạt diễn đàn, trang mua bán bất động sản, không riêng gì những khu du lịch ven biển như Đà Nẵng, những thông tin rao bán khách sạn ở khu vực đắt đỏ bậc nhất Hà Nội cũng xuất hiện rất nhiều.

Dự án nghìn tỷ gây tranh cãi, Hà Nội chưa chốt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo - 4

Một nhà phố vốn từng là khách sạn ở khu vực phố cổ được rao với giá 69 tỷ đồng (Ảnh: N.M).

Đề cập đến việc rao bán bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty CP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô - cho biết, chi phí vận hành một khách sạn rất lớn. "Làn sóng rao bán khách sạn vừa qua chúng ta thấy rất rõ ràng, bởi phí vận hành những bất động sản giá trị lớn ở khu vực thành phố hay khu du lịch đắt đỏ rất tốn kém", ông Trung cho hay.

Môi giới nói sai thông tin nhà đất có thể bị phạt 120 - 160 triệu đồng

Bộ Xây dựng cùng VCCI đang xin ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139 /2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng (gọi tắt là dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đáng chú ý, dự thảo có đưa ra mức phạt với một số vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Theo đó, môi giới có thể bị phạt từ 120 - 160 triệu đồng nếu có hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới.

Ngoài ra, những người kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản có thể bị xử phạt 60-80 triệu đồng.

Nguyễn Khánh (tổng hợp)

Tin liên quan