Dòng vốn ngoại tỷ đô
Cuối tháng 7/2018, một nhà phát triển bất động sản lớn tại Châu Á đã chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đơn vị này đã thâu tóm nhiều vị trí đất “vàng” tại TPHCM như đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Cống Quỳnh... với hàng loạt dự án đã và sẽ triển khai trong tương lai. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư bất động sản ngoại quốc đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Nhiều vị trí đất “vàng” tại TPHCM đã được các nhà đầu tư ngoại thâu tóm để triển khai các dự án lớn.
Theo nghiên cứu của Savills, 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% so với cùng kì năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.
Lĩnh vực bất động sản tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư nước ngoài với lượng vốn đăng ký cao kỉ lục là 4,971 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu thuộc về dự án thành phố thông minh tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4,1 tỷ USD.
Dự án thành phố thông minh tại Hà Nội bao gồm 271,82 ha với khoản đầu tư hợp tác liên doanh giữa bốn nhà đầu tư trong nước và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Giai đoạn đầu dự kiến sẽ triển khai vào quý III năm nay. Sau khi hoàn thành, thành phố thông minh được mong đợi sẽ là một trong những thành phố thông minh tiên tiến nhất ở Đông Nam Á với hệ thống giao thông hiện đại.
Thị trường bất động sản tại TPHCM cũng ghi nhận sự quan tâm liên tục từ các nhà đầu tư lớn trong quý vừa qua. Cụ thể, vào tháng 4/2018 Frasers Property đã tham gia thỏa thuận mua cổ phần có điều kiện để sở hữu 75% vốn cổ phần của bất động sản Phú An Khang, đơn vị sở hữu phát triển dự án phức hợp tọa lạc tại quận 2 với giá trị khoảng 18 triệu USD.
Đầu tháng 6, Berjaya Land Berhad của Malaysia đã thông báo về kế hoạch chuyển nhượng dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam cho Vinhomes và các công ty thành viên với khoảng 39 triệu USD, sau khi Vinhomes hoàn tất góp vốn gần 88 triệu USD cho dự án này từ hồi tháng 3.
Sau khi hoàn thành giao dịch, Vinhomes và các công ty thành viên sẽ nắm toàn bộ 6,6 ha đất tại quận 10 để xây dựng khu phức hợp. Ngoài ra, nhà đầu tư này cũng đã rót 522 triệu USD nhằm sở hữu 99,2% cổ phần với 925 ha đất của dự án Làng đại học quốc tế tại Việt Nam. Vinhomes và các công ty thành viên cũng đang trong quá trình thâu tóm 0,8% cổ phần còn lại từ Berjaya.
Phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục thu hút giới đầu tư trong nước. Cụ thể, Tập đoàn Xuân Mai đã mua lại thành công Eco - Green Saigon, dự án rộng 14 ha tọa lạc tại quận 7, TPHCM.
Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản như Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad để phát triển Akari City - dự án khu dân cư 8,8 ha tại quận Bình Tân, TPHCM.
Bên cạnh đó, Nam Long cũng khởi công dự án trọng điểm – Waterpoint Township tại tỉnh Long An vào tháng sáu tới. Rộng 355ha, Waterpoint bao gồm nhà phố, biệt thự, căn hộ cao tầng, bệnh viện, tiện ích cơ sở giáo dục và thể thao.
Dự án thành phố thông minh tại Hà Nội có tổng mức vốn đầu tư dự kiến hơn 4,1 tỷ USD.
Hấp dẫn đầu tư vì nhiều lợi thế
Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư của Savills Việt Nam thì các nhà đầu tư ngoại quốc chú ý đến thị trường bất động sản Việt Nam vì nước ta có nhiều lợi thế hơn so với các nước trong khu vực.
“Lợi thế cụ thể đó là dân số trẻ, nhu cầu nhà đất và tiềm năng thị trường còn rất lớn. Giá nhà tại Việt Nam hiện vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực như Hong Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia”, ông Khương nói.
Ông Khương cũng cho rằng, so với các nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ thì các nhà đầu tư châu Á có sự gần gũi về vị trí địa lý, tương đồng về văn hóa nhiều hơn. Sự khác biệt văn hóa dẫn đến khác biệt thị trường.
Hơn nữa, bản chất đầu tư bất động sản liên quan rất nhiều đến luật lệ địa phương, nhất là vấn đề pháp lý sở tại, do vậy đây là một trong những yếu tố giúp cho thị trường bất động sản Việt Nam được chú ý nhiều hơn bởi nhà đầu tư châu Á.
Cũng theo ông Khương, các thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2018 bởi nhiều lý do như: cơ sở hạ tầng, giao thông cải thiện; các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, cắt giảm bớt điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư của Savills Việt Nam cho rằng Việt Nam hấp dẫn đầu tư vì có nhiều lợi thế
Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là thị trường tiềm năng để đầu tư vốn cũng như hợp tác phát triển nhiều dự án…
Các nhà đầu tư trong nước là các tập đoàn lớn, bằng sự am hiểu và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường cũng sẽ không kém cạnh khi mua lại những dự án hay khu đất tiềm năng để phát triển sản phẩm của mình. Điều này có thể thấy được qua tình hình hiện tại của thị trường văn phòng tại trung tâm TPHCM, Hà Nội hay thị trường khách sạn tại các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An…
Đại Việt – Công Quang