Giá đất dựng đứng qua… "miệng cò"?
Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.
Quy hoạch này được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Dân số theo tính toán dao động 280.000 - 320.000 người.
Cũng giống như vụ sốt đất ở Hớn Quản (Quảng Bình) vừa qua, chuyên gia cho rằng khi thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, các nhà đầu tư "nhảy" vào sẽ như "đánh bạc".
Lặp lại kịch bản của vô số lần "đón" thông tin quy hoạch khác như ở Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội)... hay mới đây nhất là Hớn Quản (Quảng Bình), thị trường bất động sản khu vực ven sông Hồng trở nên sôi động, ồn ào, có nơi sốt "hầm hập".
Theo lời giới thiệu của một môi giới tên Văn Minh, đất khu vực Đông Anh đang rất "nóng". Khu vực này có rất nhiều thông tin tích cực như quy hoạch lên quận, "ăn theo" nhiều dự án lớn rồi hiện nay là thông tin quy hoạch đô thị sông Hồng... nên thị trường vô cùng nhộn nhịp.
"Cách đây vài tuần, ở các khu vực ven sông xã Xuân Canh giá chỉ dao động tầm 17-18 triệu đồng/m2 với vị trí ngõ hẻm thì giờ được rao với giá 28 -30 triệu đồng/m2 rồi", Văn Minh nói. Cậu môi giới trẻ tuổi còn cho rằng, nếu vào tại thời điểm này, chờ đến lúc công bố quy hoạch thì "nhẹ nhàng" cũng bán được giá 50 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá đất khu vực xã Hải Bối, Đông Anh gần đây liên tục tăng nhiệt theo lời kể của một số môi giới. Trong cuộc trò chuyện, ông H - một môi giới ở khu vực này liên tục chào mời, đưa ra những thông tin hấp dẫn, cam kết hiệu quả sinh lời vô cùng hấp dẫn kiểu "một vốn bốn lời", không mua nhanh sẽ có người "chốt" ngay.
Ngoài đất thổ cư, vị môi giới này còn giới thiệu các loại đất "sổ xanh" (đất nông nghiệp). "Nếu chị thích, tôi có thể giới thiệu một số miếng đất mua bán giấy viết tay nhưng đóng thuế đầy đủ, không phải lo lắng", ông H. nói.
Có thể thị trường ở hầu hết các khu vực có liên quan đến quy hoạch đô thị sông Hồng đều đang tăng nhiệt, sôi động. Trong "cơn say" thị trường, nhiều cò đất còn giới thiệu những sản phẩm đất phi nông nghiệp có đóng thuế hàng năm với lời rao "có thể xây nhà cao tầng" (?!).
Những cảnh báo khi rót tiền đón quy hoạch đô thị sông Hồng
Nói với Dân trí, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội cho biết, hiện tượng "nóng sốt" ở những khu vực có thông tin quy hoạch từ lâu đã quá quen thuộc với thị trường bất động sản Việt Nam.
Sau 30 năm phát triển của lĩnh vực bất động sản, Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ sốt đất khắp nơi trên cả nước. "Bất kỳ khi nào có thông tin quy hoạch là sốt, khi đó kể cả những chỗ 'khỉ ho cò gáy' cũng trở nên nóng", ông Toản nói.
Quy hoạch đô thị sông Hồng được đánh giá sẽ có những tác động lớn tới thị trường bất động sản Hà Nội.
Tuy nhiên theo quan sát của ông Toản, rất nhiều các vụ sốt đất "tăng dựng đứng" là câu chuyện giữa dân môi giới và giới đầu cơ, lướt sóng. "Một đội ngũ kích giá, tạo thông tin bơm thổi kiếm lời, còn những nhà đầu tư thì lướt nhanh thì kiếm được, lướt chậm có khi "ôm bom", ông Toản nói.
Cũng giống như vụ sốt đất ở Hớn Quản (Quảng Bình) vừa qua, ông Toản cho rằng khi thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, các nhà đầu tư "nhảy" vào sẽ như "đánh bạc". Những nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sẽ có hướng đầu tư vào khu vực ổn định, pháp lý rõ ràng. "Đánh đổi rủi ro thường là sự lựa chọn của các nhà đầu cơ. Hãy lưu ý, từ quy hoạch cho đến triển khai thực hiện nó là một quá trình rất dài. Ở những dự án lớn như vậy thì có khi tới vài chục năm", ông Toản nhận định.
Đáng lưu ý theo ông Toản, "tăng dựng đứng", "tăng dựng ngược" có thể là hiện tượng "thổi giá". "Tăng thì chắc chắn có tăng rồi nhưng dựng ngược lên thì có thể… do rao. Ai sẽ chấp nhận những mức giá gấp đôi - gấp ba đó? Chưa kể quỹ đất không phải nhiều, dự án không có mấy, chủ yếu đất trong dân, người ta cũng đâu có dễ dàng bán đi khi thấy tăng giá. Nguồn cung sản phẩm không có nhiều. Giá tăng sốc có thể là một vài giao dịch điển hình, thực tế thì được bao nhiêu?", ông Toản chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều lo ngại đặt ra khi nhà đầu tư ham rẻ, mơ lời cao sẽ dễ mất trắng khi tin lời cò rót tiền vào đất không sổ đỏ. Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trong tâm lý đầu tư bất động sản thường có câu "rủi ro càng lớn, khả năng lợi nhuận càng cao". Tuy nhiên nếu người mua đất không có được đầy đủ thông tin, hoặc mua các mảnh đất trước thời điểm được quy định, khả năng mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, ông Lực khuyến cáo, để có được khoản đầu tư mạo hiểm nhưng hạn chế được tối đa rủi ro thì các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin về thửa đất tại UBND cấp xã, phường, văn phòng đăng ký đất và nhà quận huyện rồi mới quyết định xuống tiền.
Nội dung: Nguyễn Khánh
Ảnh: Tuấn Mark