Tranh chấp chung cư bùng nổ do nhiều nguyên nhân như chất lượng công trình kém sai phạm về thiết kế, về kiến trúc, quy hoạch...
“Đất chật, người đông”, do vậy chọn ở chung cư dường như là xu thế tất yếu đối với nhiều người. Ở thời điểm này, khi nguồn cung phân khúc căn hộ chung cư khá đa dạng, phong phú, người mua không khó để chọn mua một căn hộ phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều người không khỏi e ngại vấn đề tranh chấp tại nhiều dự án hiện nay. Việc tranh chấp liên tục bùng phát ở nhiều dự án thời qian qua khiến cả người mua ở lẫn mua đầu tư đều chần chừ.
Bộ Xây dựng mới đây đã có báo cáo Thủ tướng về tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư. Trong đó nêu rõ có hàng trăm dự án tại 43 địa phương xuất hiện tình trạng tranh chấp.
Trước khi có báo cáo này thì thực tế thời gian qua, trên khắp mặt báo những thông tin về việc cư dân căng băng rôn, xuống đường biểu tình phản đối chủ đầu tư xuất hiện với tần suất khá dày đặc.
Đặc biệt có những dự án mà sau tới cả 10 năm, người dân vẫn mòn mỏi đấu tranh đòi nhà, đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân như ở Usilk City. Hay có những dự án mà cư dân bỏ vài tỷ mới sở hữu được một căn chung cư với vị trí đắc địa nhưng vào ở đến vài năm vẫn chưa có sổ hồng…
Chị Thanh (Hà Nội) cho biết, do phải chuyển công tác nên cần bán căn hộ gia đình chị đang sinh sống ở đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, việc rao bán khá chật vật. Mặc dù có nhiều người quan tâm hỏi mua vì căn hộ chị Thanh tầm trung, hướng đẹp nhưng do chưa có sổ hồng nên ai cũng lắc đầu ngao ngán.
“Có những người thăm nhà xong ưng rồi nhưng khi về tìm hiểu thông tin dự án trên mạng thấy cả loạt bài phản ánh chuyện “3 năm cư dân vào ở mà vẫn chưa có sổ hồng” do dự án chưa được nghiệm thu thì họ “chạy” luôn”, chị Thanh chia sẻ.
Sau nhiều lần rao bán không thành, chị Thanh đành chấp nhận cho thuê lại căn hộ rồi sau đó dùng số tiền đó thuê nhà gần trụ sở cơ quan mới.
Trên thực tế, tình trạng các dự án chung cư hoàn thiện đã lâu, người dân vào ở một thời gian nhưng “nợ” sổ hồng không còn là chuyện cá biệt ở một vài dự án. Có khá nhiều lý do dẫn đến vấn đề này, trong đó có nguyên nhân như chủ đầu tư nợ thuế sử dụng đất hay không đủ điều kiện pháp lý khác…
Trao đổi với Dân trí, luật sư Trương Anh Tuấn cho biết, trong trường hợp căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng chủ căn hộ muốn bán thì có thể giao dịch bằng hợp đồng mua bán nhà. Tuy nhiên, ở vị trí người mua thì họ sẽ khá băn khoăn khi phải “xuống tiền” mua căn hộ không có sổ hồng.
Theo luật sư Tuấn, khi căn hộ không có sổ hồng thì cư dân phải chịu khá nhiều thiệt thòi như khó giao dịch, muốn giao dịch được thì phải bán với giá hẫp dẫn đủ để người mua chấp nhận, sẽ gặp khó khăn nếu muốn mang thế chấp ngân hàng…
Ông Tuấn cho rằng, những quy định về việc cấp sổ hồng rất rõ ràng, người mua phải nghiên cứu rất kỹ về pháp lý của dự án và uy tín của chủ đầu tư nếu không sẽ dễ rơi vào cảnh “chật vật”, “dở khóc dở cười”.
Lùm xùm, tranh chấp sẽ làm khó chủ đầu tư
Bên cạnh câu chuyện về sổ hồng, câu chuyện tranh chấp chung cư bùng nổ còn có nhiều nguyên nhân khác như chất lượng công trình kém sai phạm về thiết kế, về kiến trúc, quy hoạch hay an toàn phòng cháy chữa cháy…
Tất cả mọi vấn đề khi đã xảy ra “cơm không lành, canh không ngọt” giữa chủ đầu tư và cư dân thì hệ quả khó tránh đó là cái “xấu” bị đeo lên dự án. Và tất nhiên, khi dự án đã có điểm xấu thì thanh khoản căn hộ sẽ khó khăn.
Chị Minh (Đống Đa, Hà Nội), một khách hàng đang có nhu cầu mua nhà tại khu vực phía Tây Hà Nội cho biết chị đã tìm hiểu được một dự án và khá ưng ý về giá cả.
Song, sau khi tham khảo kỹ các thông tin, gia đình chị đã cân nhắc lại bởi vừa qua cư dân tại dự án cũng đã có lùm xùm phản đối chủ đầu tư vì không giữ lời hứa làm đường nội bộ riêng cho dự án cùng nhiều vấn đề về thiết kế khác.
“Tôi rất ngại mua phải những dự án mà chủ đầu tư không có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết với cư dân. Sau này sẽ rất rắc rối trong khi tôi lại mong gia đình sẽ có cuộc sống yên ổn khi về chỗ mới”, chị Minh chia sẻ.
Trên thực tế, khi tìm hiểu về dự án mà chị Minh định mua cho thấy, chủ đầu tư vẫn đang chật vật tìm cách đẩy hàng tồn kho. Mặc dù giá bán thấp hơn trước đây nhưng do phát sinh nhiều vấn đề trong đó có yếu tố liên quan tới tranh chấp là một trong lý do dự án kém mặn mà.
“Bản thân các chủ đầu tư khi bội tín, bội ước thì chính họ đang tự thải loại mình trên thị trường. Báo chí vào cuộc, người dân khi mua nhà sẽ cân nhắc trước những chủ đầu tư “dính” lùm xùm như vậy”, PGS.TS. Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng – Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận định khi trao đổi với Dân trí.
Theo vị chuyên gia này, bên cạnh vấn đề về địa điểm, tiện ích, thiết kế... khi mua nhà thì người mua nên cân nhắc trong việc chọn các chủ đầu tư. Đối với những chủ đầu tư uy tín, có năng lực tài chính, kinh nghiệm... thì khả năng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cao hơn...
Nguyễn Khánh