Fica
  1. Bất động sản

Đổ "đống tiền" vào đất nền: Cả thập kỷ chôn vốn, lâu dài kinh tế gánh hệ luỵ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để thị trường lành mạnh hơn, cần nghiêm túc xem xét việc hạn chế phân lô bán nền...

Đổ đống tiền vào đất nền: Cả thập kỷ chôn vốn, lâu dài kinh tế gánh hệ luỵ - 1

Mua đất đầu tư dài hạn chờ cơ hội tăng giá thường phụ thuộc vào độ nóng lạnh của thị trường trong cả một thập kỷ, thậm chí lâu hơn.

Cần siết lại việc phân lô bán nền

Người Việt từ lâu vẫn luôn xem đất nền là kênh đầu tư an toàn. Thậm chí, nhiều người coi đất nền như “của để dành”, rót một lượng tiền lớn rồi để cỏ mọc cả thập kỷ.

Chính nhu cầu “om đất” cùng với những nhu cầu khác về nhà ở đã khiến thị trường đất nền vừa qua “dậy sóng” tại nhiều địa phương. Báo cáo một số cơ quan cũng thừa nhận, một số nơi có sốt cục bộ.

Theo phản ánh, nhiều khu đất công cộng, đất nông nghiệp, bãi rác và cả... nghĩa trang nhưng được nhiều doanh nghiệp địa ốc “vẽ” dự án, phân lô, bán nền rao công khai khiến cho người dân chịu cảnh “tiền mất nợ mang”. Địa ốc Alibaba với con số cả nghìn tỷ đồng vừa qua là một ví dụ điển hình.

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để thị trường lành mạnh hơn, cần nghiêm túc xem xét việc hạn chế phân lô bán nền.

“Muốn phát triển được chúng ta cần đầu tư trên đất chứ không phải để thửa đất nằm im, chôn vốn. Đất nền đầu cơ, tích vốn nên không phát triển được. Hàng loạt các vụ phân lô bán nền trái phép vừa qua là minh chứng cho thấy đã đến lúc cần có siết chặt hơn vấn đề này. Cần có cơ chế rõ ràng hơn, để một cái cửa thật hẹp cho phân lô bán nền”, ông Võ nêu quan điểm.

Khi mua đất nền, người mua bỏ lượng tiền lớn và chấp nhận rủi ro có tính chu kỳ của thị trường địa ốc. Mua đất đầu tư dài hạn chờ cơ hội tăng giá thường phụ thuộc vào độ nóng lạnh của thị trường trong cả một thập kỷ, thậm chí lâu hơn.

Trong chục năm này, không phải lúc nào giá đất cũng tăng cao mà chỉ đi lên trong những thời điểm nhất định. Do vậy chẳng hiếm khi thấy đâu đó, những khu đất đươc phân lô rất vuông vắn nhưng cỏ mọc um tùm từ năm nay qua năm khác.

Đất đai vốn là tài nguyên quý giá, nhưng bỏ hoang sau khi phân lô bán nền. Người người mua đất đầu cơ, chờ tăng giá bán kiếm lời nhưng không có nhu cầu ở. Với “đống tiền” bỏ ra, người mua cũng sẽ mất nhiều chi phí cơ hội.

Bởi trong khoảng thời gian dài bỏ tiền vào ôm đất chờ thời thường kéo dài nhiều năm. Dòng vốn sẽ nằm yên trong đất, không thể dịch chuyển sang những kênh đầu tư khác được. Như vậy, suốt chu kỳ đầu tư này, nhà đầu tư sẽ phải bỏ qua những cơ hội đầu tư khác trên thị trường.

Kinh tế khó phát triển bền vững nếu chỉ chờ “đại gia” địa ốc

Trao đối với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, nếu tính tổng vốn đầu tư, kinh tế bất động sản hiện vẫn chưa đến mức vượt quá 30% tổng giá trị vốn đầu tư cũng như tổng giá trị hàng hóa cung ra thị trường. Theo kinh tế học thì tỷ lệ 30% chưa là gì đáng quan ngại, nhất là đô thị hóa ở Việt Nam đang ở mức độ còn quá thấp.

Do quá trình đô thị hoá vẫn đang diễn ra rất mạnh, do đó rất cần sự phát triển của doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ông Võ cho rằng nền kinh tế khó có thể phát triển bền vững khi chỉ trông chờ vào sự phát triển của thị trường bất động sản mà không tập trung trọng tâm vào khu vực sản xuất các hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

“Bất động sản được kinh tế học liệt vào khu vực thị trường vốn, chứ không phải là khu vực sản xuất hàng hoá. Vì vậy, cần phải giữ nó với vai trò bảo đảm hạ tầng vốn để phát triển kinh tế sao cho cân đối”, ông Võ nói và nhấn mạnh lại, cần có biện pháp siết việc phân lô bán nền.

Hiện nhiều địa phương cũng đã có động thái kiểm soát nghiêm ngặt và hạn chế giao dịch ở một số địa phương là nhằm đảm bảo cho thị trường bất động sản không vỡ trận. Đặc biệt, sau khi vụ việc Công ty địa ốc Alilaba tung ra bán vài chục dự án không có thực khiến cho hơn 6.000 khách hàng lâm vào cảnh "tiền mất tật mang" được phanh phui.

Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng, tình trạng "đầu tư lướt sóng" luôn tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư thay vì “ôm đất” có thể tìm kiếm cơ hội từ những bất động sản có giá trị thương mại, tức là đầu tư trên đất thay vì “om” vốn ở đất.

Tại diễn đàn “Xu hướng đầu tư bất động sản 2019" tổ chức tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra hai xu hướng đầu tư không tích cực trong thị trường bất động sản.

Thứ nhất là việc đầu tư vào mua đất ồ ạt. Mua đất là “chôn tiền” vào đất. Do đó, phải hạn chế mua đất chứ không phải hạn chế mua nhà.

Thứ hai là xu hướng các nhà đầu tư lao về các tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh có biển như: Hải Phòng, Hưng Yên… Ở đây đất rẻ, thủ tục dễ nhưng các địa phương còn phát triển nông nghiệp lớn, không thể để đất đai “ngâm” ở đó mãi.

Nguyễn Mạnh

Đổ đống tiền vào đất nền: Cả thập kỷ chôn vốn, lâu dài kinh tế gánh hệ luỵ - 2

Tin liên quan