Fica
  1. Bất động sản

Điểm danh những dự án là "vũng lầy" của đại gia Vinaconex

Hàng loạt khoản đầu tư của Vinaconex vào các dự án bất động sản chưa có hiệu quả mà nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay cao, chênh lệch tỷ giá phát sinh, suy thoái thị trường bất động sản…

Điểm danh những dự án là vũng lầy của đại gia Vinaconex - Ảnh 1.

Vinaconex có nhiều khoản đầu tư chưa có hiệu quả.

Ngày 22/11 vừa qua, SCIC đã thu về gần 7.400 tỷ đồng trong phiên đấu giá bán cổ phần VCG của Vinaconex với 28.900 đồng/cổ phần, cao hơn 10.400 đồng so với thị giá cổ phiếu. Công ty TNHH An Quý Hưng là đơn vị đã chi số tiền vừa nêu để sở hữu 57,71% cổ phần từ SCIC.

Trước khi về tay chủ mới, Vinaconex vẫn được biết đến là một doanh nghiệp nắm trong tay hàng loạt dự án bất động sản với quỹ đất "khủng". Tuy nhiên, trong đó có nhiều dự án đang hoặc từng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây hé lộ tình hình tài chính của một số khoản đầu tư lớn nhưng chưa có hiệu quả tại Công ty mẹ Vinaconex như CTCP Xi măng Cẩm Phả, Công ty liên doanh TNHH phát triển ĐTM An Khánh, Vinaconex ITC, Vinaconex 11…

Cụ thể, tại một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ, có dự án đã dừng không thực hiện hoặc dự án phải dừng triển khai trong một thời gian dài đã làm hiệu quả dự án không đạt được so với mục tiêu.

Hàng loạt dự án kém hiệu quả

Trong đó, Dự án Khu nhà ở CBCNV Trạm nghiên Xi măng Cẩm Phả - Vinaconex được phê duyệt đầu tư ngày 29/9/2006 với quy mô diện tích đất 5,5 ha. Tổng mức đầu tư 594,44 tỷ đồng, thời gian hoàn thành từ 2006-2010. Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2012 với chi phí lũy kế là 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản thống nhất chủ trương thu hồi đất đã giao cho Vinaconex để lập dự án tái định cư, đến nay Vinaconex chưa thu hồi được khoản tiền đã đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao 2 - khu công nghiệp Hòa Lạc - Vinaconex được phê duyệt ngày 23/6/2014 với tổng mức đầu tư 1.316 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc trên diện tích 277 ha, sau đó Vinaconex sẽ kinh doanh trên mặt bằng tạo nên.

Số liệu tổng chi phí đã đầu tư đến 31/12/2017 là hơn 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ cho thuê không đạt so với phương án tài chính ban đầu. Cụ thể, theo phương án tài chính ban đầu, từ năm 2014-2017 sẽ cho thuê 81,51 ha, nhưng thực tế đến 31/12/2017 dự án mới cho thuê được 27,7 ha, đạt 34% so với mục tiêu đề ra.

Dự án Tòa chung cư 2B Vinata Tower –Vinaconex được phê duyệt ngày 12/12/2016 với tổng mức đầu tư 618 tỷ đồng, mục tiêu đưa vào sử dụng tháng 6/2018 nhưng đến thời điểm kiểm toán dự án chưa hoàn thành, bàn giao như mục tiêu đề ra. Theo phương án tài chính, toàn bộ 216 căn hộ sẽ bán hết trong tháng 7/2017 thực tế đến thời điểm 31/12/2017 dự án mới bán được 80 căn hộ (chiếm 37%). Dù chi trả chi phí bán hàng nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn còn tồn khoảng 80 căn hộ.

Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại và trưng bày sản phẩm và văn phòng cho thuê và căn hộ ở số 25 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội – Vinaconex được phê duyệt ngày 14/4/2017. Qua kiểm toán cho thấy dự án thực hiện chậm so với mục tiêu đề ra, giá bán thấp hơn phương án ban đầu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả mục tiêu của dự án.

Ngoài ra, Dự án cải tạo khu chung cư L1, L2 tại 93 Láng Hạ cũng thực hiện chậm so với mục tiêu đề ra. Đến nay, Vinaconex đã chi 34,34 tỷ đồng (chiếm 67% chi phí được duyệt) trong khi dự án chưa khởi công, hàng tháng chủ đầu tư phải chi khoảng 700 triệu đồng để hỗ trợ, tạm cư cho các hộ dân đã chấp thuận phương án đền bù. Việc kéo dài thời gian thực hiện sẽ làm tăng chi phí hỗ trợ, tạm cư và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của dự án.

"Vũng lầy" Bắc An Khánh

Đáng chú ý, báo cáo kiểm toán cũng đề cập đến dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh – Vinaconex. Theo đó, ngày 18/8/2006, Vinaconex ký hợp đồng liên danh với Công ty Posco Engineering And Constructin Co.ltd (Posco) thành lập Công ty TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC được Cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 8/12/2006, vốn điều lệ 680 tỷ đồng, Vinaconex góp 21.250.000 USD tương đương 50% vốn điều lệ) để thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh với quy mô 264,4 ha, tổng vốn đầu tư 3.391 tỷ đồng, thời hạn hoạt động dự án 50 năm. Đến nay dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện và còn 1 số tồn tại.

Cụ thể, tiến độ chậm so với kế hoạch ban đầu, hoàn thành giai đoạn 1 năm 2013 sau đó dự án dừng thực hiện từ cuối năm 2013 đến tháng 8/2016 do phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, do thị trường bất động sản trầm lắng, do tỷ lệ góp vốn của Vinaconex và Posco trong An Khánh JVC là 50:50 dẫn tới mọi quyết định phải được thống nhất của cả 2 bên.

Số lỗ lũy kế đến 30/6/2018 của An Khánh JVC là 965,43 tỷ đồng. Theo báo cáo của đơn vị, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công ty kinh doanh thua lỗ do tồn kho lớn (tồn 240 chung cư từ 2013). Ngoài ra, việc dự án phải dừng thực hiện trong 4 năm trong khi vẫn phát sinh chi phí lãi vay hơn 450 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá hơn 728 tỷ đồng.

Phương Dung