Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp từng thưởng Tết bằng ô tô, nhà.
Một trong những nguyên nhân lớn được chỉ ra là do thiếu nguồn cung bất động sản. Theo tìm hiểu, nhiều sàn giao dịch lâm vào thế khó, trầy trật để duy trì hoạt động kinh doanh.
Chính điều này khiến không ít nhân viên môi giới lo ngại thưởng Tết sẽ không được “ấm no” như năm ngoái.
Trả lời PV Dân trí, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng cho biết thị trường kém sôi động hơn năm 2017, 2018, do vậy mức thưởng Tết cũng khó đạt được mức “khủng" như năm ngoái.
Xung quanh câu chuyện thưởng Tết dân môi giới bất động sản năm nay, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam. Ông Đính hiện cũng là chủ một doanh nghiệp bất động sản.
Ông Đính chia sẻ: Năm nay, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kém hơn các năm trở lại đây do nguồn hàng ít nên phải lăn lộn vất vả hơn. Chi phí vào bất động sản cao hơn, trong khi giá không tăng tương xứng.
Riêng ở Hà Nội, mấy năm nay giá nhà đi ngang, còn TP.HCM tăng 5-7%. Trong khi đó, chi phí đầu vào nhiều thứ tăng như chi phí trong ngành xây dựng cũng tăng, vật liệu, vật tư tăng, giá vốn tăng khi ngân hàng đẩy lãi suất lên cao, thậm chí còn siết, hạn chế cho vay.
Chính vì thế lợi nhuận nhiều doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng đặt ra.
Việc thưởng Tết dựa trên cơ sở hiệu quả kinh doanh, khi kinh doanh không thuận lợi thì việc thưởng Tết sẽ giảm hơn hoặc nhiều doanh nghiệp có thể được mức thưởng như năm ngoái. Nhưng mức thưởng lớn, đột biến như xe sang, thưởng nhà thì là khó.
Một số chủ doanh nghiệp chia sẻ với PV rằng không ít nhân viên môi giới khó khăn, phải bỏ nghề, chuyển sang lĩnh vực khác kiếm sống?
Có nhiều doanh nghiệp đến giai đoạn quý 4 phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Đây là một năm không tốt với doanh nghiệp bất động sản, nhất là đơn vị môi giới.
Nhiều môi giới phải chuyển nghề vì không có hàng bán, cạnh tranh khốc liệt, nhưng thường trường hợp đó là những môi giới “non tay” thôi, còn môi giới có nhiều kinh nghiệm vẫn tự biết cách săn lùng tìm thị trường, thậm chí tự tạo ra thị trường.
Môi giới chung cư thường nằm ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM... nhu cầu ở những TP đó lớn, dù giảm nhưng vẫn lớn, vài nghìn giao dịch thành công thì không phải là ít; song số lượng giao dịch đó thì không thấm vào đâu so với lực lượng môi giới đông đảo.
Tất nhiên đông thì phải có sự cạnh tranh, người yếu không có năng lực, không hiệu quả thì phải rời thị trường thì lại có những người mới muốn thử sức lao vào thị trường...
Đây là vấn đề bình thường của thị trường lao động trong ngành bất động sản. Nhưng tôi thừa nhận đúng là có hiện tượng nhiều anh em bỏ nghề, rời nghề.
Thưa ông hiện có khoảng bao nhiêu môi giới bất động sản hành nghề, chúng ta có kiểm soát được con số này không?
Theo thống kê hệ thống của Hội môi giới thì cả nước có khoảng 300.000 môi giới, TP.HCM đông nhất là 90.000; Hà Nội có khoảng 60.000 – 70.000, còn lại là ở các tỉnh khác. Những môi giới có chứng chỉ chỉ bằng 1/10 con số đó.
Tính cạnh tranh trong nghề môi giới là rất mạnh, số lượng đông, cạnh tranh mạnh, nếu không thực sự có năng lực sẽ bị đào thải. Nhưng đây là nghề có lợi nhuận , lại không bỏ vốn đầu tư nên thu hút nhiều người muốn vào trải nghiệm.
Vậy ông có thể chia sẻ về mức thưởng Tết doanh nghiệp mình năm nay?
Công ty tôi chưa đưa ra con số thưởng Tết cụ thể. Nhưng thường thì sẽ có tháng lương thứ 13 – gần như là thưởng cơ bản mà các doanh nghiệp bất động sản sẽ đảm bảo, còn thưởng đột biến nhiều thì khó. Có thể có vài doanh nghiệp đặc biệt sẽ có thưởng khác nhưng nó không đại diện cho thị trường.
Những năm qua xuất hiện một số doanh nghiệp dùng thưởng Tết hoành tráng, chấn động như cách PR cho hình ảnh doanh nghiệp, ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Động viên để anh em tích cực làm việc là nên làm, nhưng thưởng trên cơ cơ sở hiệu quả, doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt thì mới có nguồn thưởng, còn hiệu quả kinh doanh không tốt thì khó có nguồn để thưởng. Nhưng để có thể giữ được người lao động, nguồn lực nhân sự thì cần có thưởng Tết.
Việc thưởng xe xịn, nhà sang thì cũng có, nhưng tôi cũng nghe về câu chuyện doanh nghiệp làm hình ảnh, làm nền thôi chứ thực tế không hẳn được như vậy, cái đó là không đúng.
Tôi không ủng hộ chủ doanh nghiệp sử dụng người lao động làm PR theo cách như vậy.
Ông nhận định như thế nào về thị trường sang năm mới?
Năm 2020 vẫn giữ nhịp như năm 2019, vẫn có lực cầu tốt, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều rủi ro thách thức đến từ việc nguồn cung có thể vẫn khan hiếm, vốn cũng hạn chế chặt chẽ hơn từ phía ngân hàng. Giá nhà có xu hướng tăng do khan hàng. Đây là vấn đề không ổn định cho thị trường.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Mạnh (ghi)