Tại cuộc họp về báo cáo điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hồi đầu tháng 3 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Bây giờ chúng ta là đô thị loại I nhưng tương lai không xa thì Đà Nẵng sẽ là thành phố loại đặc biệt của Việt Nam. Thành ủy, UBND, HĐND thành phố, người dân thành phố phấn đấu theo hướng đó để đưa thành phố lên tầm cao mới, cả chất lượng, quy mô phát triển".
Ngày 19/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với đề xuất xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng hậu Covid-19 sẽ là bức tranh khởi sắc (Ảnh: Đỗ Quân).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến đồng ý về chủ trương UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng "Trung tâm tài chính khu vực" theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mới đây, ngày 25/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Đây là dự án nhóm A do UBND TP Đà Nẵng là cơ quan chủ quản, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - TP Đà Nẵng - nội dung trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị.
Cùng với các thông tin có tính vĩ mô, nhằm phục hồi đà phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, nhiều dự án lớn ở Đà Nẵng đang khởi công, khởi động… sẽ là yếu tố quan trọng có tính "kích hoạt" làm sôi động thị trường bất động sản, nhất là thị trường thứ cấp.
Ở tương lai gần, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản, nhận định, hậu Covid-19, thị trường Đà Nẵng sẽ sớm phục hồi, bởi một số lý do.
Thứ nhất, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang rất thấp. Điều này giúp tăng khả năng tiếp cận vốn và giảm chi phí vốn khi đầu tư, lợi nhuận đầu tư sẽ hấp dẫn hơn.
Thứ hai, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh sẽ cung cấp thêm lượng nguồn vốn cho thị trường bất động sản thông qua việc chốt lời của các nhà đầu tư. Các kênh đầu tư khác như vàng, tiền ảo hiện nay khá bấp bênh sẽ ít được quan tâm hơn.
Thứ ba, đầu tư công của Đà Nẵng đang diễn ra rất mạnh mẽ để khôi phục lại tăng trưởng GDP sau 1 năm có tăng trưởng âm gần 10%. Hàng loạt các dự án hạ tầng đô thị được khởi động và triển khai quyết liệt như: tuyến đường vành đai phía Tây, dự án nạo vét sông Cổ Cò, dự án Cảng biển Liên Chiểu…
Chính sách tháo gỡ các nút thắt về pháp lý trong các dự án bất động sản được chính quyền thực hiện rất khẩn trương thông qua việc lập tổ chuyên trách xử lý các điểm nghẽn pháp lý tại các dự án bất động sản sai phạm từ các thời kỳ trước. Công tác thu hút đầu tư đang triển khai khá tốt, các nhà đầu tư lớn đang tiến hành khởi động lại các dự án tại Đà Nẵng cũng góp phần thu hút dư luận và các nhà đầu tư quan tâm về thị trường Đà Nẵng.
Thứ tư, xu hướng dịch bệnh đang được khống chế, các vắc xin phòng ngừa Covid-19 đang được triển khai trên toàn cầu và được nhập về Việt Nam là tín hiệu vô cùng tích cực cho nền kinh tế đặc biệt là cho lĩnh vực du lịch.
Thứ năm, đồ án quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt. Với định hướng phát triển trở thành đô thị đặc biệt tiếp theo tại Việt Nam sau TPHCM và Hà Nội sẽ là cú hích lớn thu hút các nhà đầu tư và việc kỳ vọng gia tăng đầu tư để phát triển mạng lưới hạ tầng đồng bộ và hiện đại hơn.
Những thông tin vui của TP Đà Nẵng gần đây sẽ là yếu tố quan trọng có tính "kích hoạt" làm sôi động thị trường bất động sản (Ảnh: Đỗ Quân).
Thị trường phục hồi, chính sách của thành phố về giá đất có góp phần ổn định thị trường bất động sản, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững; ngăn ngừa thổi giá đất ảo và "vỡ bong bóng" bất động sản?
Trả lời câu hỏi này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng - chia sẻ: Quan điểm chung hiện nay của thành phố đối với việc tiếp cận chính sách chung về giá đất là đảm bảo tuân thủ Nghị định 96/2019/NĐ-CP và tham khảo những địa phương lân cận để có một khung giá đất phù hợp các mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế xã hội lâu dài, ổn định, không "tận thu từ đất" mà chú trọng đến các giá trị gia tăng từ quá trình đầu tư, tạo ra những giá trị tổng thể khác bên cạnh yếu tố kinh tế như công ăn việc làm, phát triển sản xuất, chú trọng an sinh xã hội, chủ trương có nhà ở, đáp ứng điều kiện văn hóa xã hội, chăm sóc sức khỏe, tạo dựng môi trường sống tốt cho người dân và du khách.
Những thông tin vui của thành phố gần đây sẽ là yếu tố quan trọng có tính "kích hoạt" làm sôi động thị trường bất động sản, nhất là thị trường thứ cấp. Việc có hay không tình trạng "bong bóng" hay "vỡ bong bóng" đều là yếu tố do thị trường quyết định và phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính lớn nhắm đến các khu vực có tiềm năng.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT TPHCM, người dân hay các nhà đầu tư thứ cấp cần tìm hiểu kỹ các thông tin có liên quan đến khu đất, dự án mình dự kiến đầu tư như: chủ trương, chính sách của nhà nước liên quan đến quá trình phát triển của khu vực, của thành phố, thông tin liên quan đến quy hoạch đô thị, đến dự án đầu tư… chính là các yếu tố có tính chất "tạo thị" là nhân tố tạo nên giá trị gia tăng thực sự, tránh những thông tin "ảo" của dư luận để quyết định việc mua bán, mua khi nào, mức giá bao nhiêu là phù hợp, tránh rơi vào các hiện tượng tiêu cực nêu trên.
Khánh Hồng - Tâm An