Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội liên quan tới tình trạng "núp bóng" Việt Nam mua đất. Theo đó, cử tri đã Đđ nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Nhà ở về quy định quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam; chế tài xử lý đối với các trường hợp đứng tên sử dụng đất cho người nước ngoài không đúng quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp được cho là “núp bóng” người Việt để mua đất ở khu vực sân bay Nước Mặn đã chuyển đổi quyền sử dụng đất và chuyển thành 100% vốn trong nước (Ảnh: LĐO). |
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, Bộ được giao chủ trì, nghiên cứu xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023).
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng cho biết đã đề xuất quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó có quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
"Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng sẽ bám sát quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở như ý kiến của cử tri Hà Nội", Bộ Xây dựng cho biết.
Đối với kiến nghị cần có chế tài xử lý đối với các trường hợp đứng tên sử dụng đất cho người nước ngoài không đúng quy định của pháp luật liên quan đến các quy định của Luật đất đai. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi Quốc hội và Chính phủ về tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay đang nhận được sự quan tâm cử tri.
Theo Bộ Quốc phòng, tính đến ngày 30.11.2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới
Nguyễn Khánh