Fica
  1. Bất động sản

Đất nhiều làng ngoại thành Hà Nội lên 30 triệu đồng/m2, tăng "sốc" 50%

Điểm danh loạt khu vực ở Hà Nội "sốt" đất, giá bất động sản tăng tới 50%; Hà Nam: Chủ đầu tư dùng tiền tỷ đổi sự im lặng của khách hàng dự án "VIP"?... là những thông tin BĐS nổi bật tuần qua.

Điểm danh loạt khu vực ở Hà Nội "sốt" đất, giá bất động sản tăng tới 50%

Tại buổi công bố báo cáo bất động sản 2020 diễn ra ngày 11/1, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường năm 2020 xuất hiện sự chuyển dịch đầu tư vào thị trường bất động sản từ các ngành kinh tế khác, làm tăng lực cầu đầu tư trong ngắn hạn.

"Điều này đã làm thị trường bất động sản nóng lên ở một số khu vực nông thôn, vùng chuẩn bị lên quận", ông Đính cho biết.

Cụ thể, ông Đính cho biết năm 2020 cũng đã có sốt đất bùng phát ở một số vùng như: Hòa Lạc, Tây Sơn, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh…. Điểm mừng là cuối năm hiện tượng trên đã lắng dịu.

Theo thống kê của Hội môi giới, đối với khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%.

Đất nhiều làng ngoại thành Hà Nội lên 30 triệu đồng/m2, tăng sốc 50% - 1

Nhà đầu tư đổ xô đi xem đất bất chấp dịch Covid-19.

Một phút tin cò, hợp đồng nhà đất cầm tay mà mất bay 350 triệu đồng

Trên thực tế, không ít người mua đất nền ở ngoại thành không căn cứ vào giá trị thực. Đưa ra dẫn chứng, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội - cho hay, một bác lớn tuổi mua đất có nhà trong ngõ ở khu Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Bác quyết định đặt cọc vì thấy 1 tỷ đồng là mức giá phù hợp với khả năng chi trả, với tầm tiền của mình.

Tuy nhiên, bất động sản được chủ nhà rao bán mấy tháng trước chỉ 650 triệu đồng. Nhưng khi người mua làm việc qua đại lý môi giới thì mức giá bị đẩy lên 1 tỷ đồng.

Đất nhiều làng ngoại thành Hà Nội lên 30 triệu đồng/m2, tăng sốc 50% - 2

Nhiều lô đất bị đẩy giá lên cao qua môi giới.

Theo bà Hằng, nhiều môi giới không thu phí hoa hồng khoảng 1% hoặc tỷ lệ thỏa thuận nào đó mà lấy tiền "ăn chênh". Khi chủ nhà đưa ra một mức giá nào đó, môi giới sẽ tìm khách và đưa ra mức giá cao hơn. Nếu bán được, chủ nhà sẽ nhận số tiền "thu về", tiền chênh lệch môi giới sẽ hưởng. Chính điều này gây dễ phát sinh tình huống bị mua giá ảo, giá quá chênh so với thực tế.

Bất động sản 2021: Dự báo cuối năm nhiều F0 rút, thị trường sẽ ra sao?

Trong báo cáo vừa công bố, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, lượng cung sẽ được cải thiện trong năm 2021.

Đáng lưu ý, về giá bất động sản, Hội môi giới cho rằng giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với 2020. Tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có chiều hướng tăng, chủ yếu là khu vực TP. Thủ Đức.

"Về cuối năm, có thể nguồn cung tăng mạnh, giới đầu tư F0 sẽ rút khỏi thị trường nhiều, các nhà đầu cơ xả hàng mạnh. Lúc này, giá có thể sẽ chững lại, thậm chí bị áp lực giảm giá nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Tuy nhiên, những dự án mới ra giai đoạn cuối năm sẽ xây dựng giá bán phù hợp hơn", ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản chia sẻ thêm.

Cũng theo vị này, giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà nội và TPHCM sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Dự báo tăng khoảng 5 - 10% so với năm 2020.

 Hà Nam: Chủ đầu tư dùng tiền tỷ đổi sự im lặng của khách hàng dự án "VIP"?

Mới đây người mua dự án TNR Stars Đồng Văn (Hà Nam) kéo nhau tới trụ sở CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) ở Hà Nội để đấu tranh đòi quyền lợi. Ngay sau đó, PV Dân trí đã tìm về tận dự án để tìm hiểu thông tin.

Đất nhiều làng ngoại thành Hà Nội lên 30 triệu đồng/m2, tăng sốc 50% - 3

Dự án Đồng Văn hiện đang gặp nhiều rắc rối, mặc dù chủ đầu tư đang cố gắng giải quyết.

Theo đó, dù đã thanh toán đủ 95% giá trị hợp đồng nhưng khách hàng vẫn chưa được bàn giao đất để thi công xây dựng. Nhiều người còn khốn khổ vì bỏ tiền ra mua đất mà vẫn phải đi thuê nhà và cõng thêm rất nhiều tiền lãi suốt 3 năm nay.

Sau nhiều lần nghe hứa suông từ chủ đầu tư, nhóm khách hàng mua dự án đã liên kết với nhau để biểu tình nhiều lần đòi quyền lợi. Song do đa phần người mua là công nhân khu công nghiệp, người nông dân,… ngại lên tiếng, nên chỉ có số ít trong đó đứng lên chủ trì.

Thời điểm đầu của cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng này, anh N.T.A. (đã được đổi tên - PV) cho biết, mọi người rất hăng hái đi đòi quyền lợi. Nhưng đến khi những người có tiếng nói trong nhóm bị dùng tiền đổi sự im lặng thì các hoạt động của họ đã mờ nhạt đi.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)