Cô gái lần đầu xuống Hà Nội làm môi giới nhà đất
Tốt nghiệp đại học ngành môi trường tại Thái Nguyên, nhưng Hoàng Kim Phượng lại quyết định xuống Hà Nội lập nghiệp với nghề bất động sản. Bởi lúc đó, cô gái trẻ mới ra trường nghĩ rằng, bất động sản là nghề rất oai và đặc biệt kiếm được nhiều tiền.
Vất vả khổ cực đủ đường, tới khi có được giao dịch đầu tiên, Phượng cũng chẳng được nhận hoa hồng. Sau 3 tháng, công ty tạm ứng cho Phượng vài triệu, nhưng số tiền này không đủ để cô trả nợ "đam mê" với nghề.
"Môi giới bất động sản là nghề cả ngày phơi nắng, phơi sương ngoài đường. Dù không phải "bán mặt cho đắt, bán lưng cho trời" nhưng tôi cũng đã đi mòn cả lốp xe, "đánh bóng" biết bao mặt đường. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày lễ cũng chẳng khác gì ngày làm việc. Khách gọi thì dù đang ăn cơm hay đang đi chơi với người yêu cũng phải bỏ lại mà tới", Phượng chia sẻ.
Môi giới bất động sản cũng nhiều khó khăn và cạm bẫy, nhất là với nữ giới.
Sau hào nhoáng nghề môi giới địa ốc, lộ tâm sự tréo ngoe người trong cuộc
Nhiều người trong cuộc cho biết, nghề môi giới không yêu cầu khắt khe về công việc, gần như xin là được nhưng ít ai trụ lại được với nghề nhiều năm . Nhìn có vẻ dễ dàng, hào nhoáng, thậm chí xuất hiện không ít "siêu" môi giới kiếm tài sản khủng nhưng thực tế cũng không ít người đã vỡ mộng, sớm "bỏ cuộc chơi". Thậm chí, nhiều người trẻ ra trường nghe thấy tuyển dụng vào làm môi giới công ty bất động sản còn "né" vì đủ lý do.
Anh Hùng Chiến - một người hành nghề môi giới bất động sản ở Hà Nội - kể: Khá nhiều bạn trẻ mới ra trường đi tìm việc trên các nhóm tuyển dụng hay có câu "Đông y, bảo hiểm, bất động sản né ra giúp em". Lý do các bạn trẻ đưa ra là vừa sợ mất thời gian, không có thu nhập, vừa sợ bị lừa đảo.
"Thực chất lý do các bạn sợ cũng không sai. Đúng là có nhiều "con sâu làm rầu nồi canh", Chiến nói và cho rằng, ở ngành nghề nào thì cũng đều có những "cạm bẫy", lừa đảo, tréo ngoe chứ không chỉ riêng môi giới bất động sản.
Trong khi đó, nhớ lại quãng thời gian vất vả - thời điểm chân ướt chân ráo vào nghề - Linh tâm sự với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng, nhưng chi phí đi lại, cà phê quảng cáo cũng nhiều, có những tháng "âm" thu nhập.
Nữ tư vấn BĐS tiết lộ "sốc": Cạm bẫy bủa vây, khách gạ đổi tình lấy căn hộ
Có ngoại hình, kỹ năng giao tiếp tốt nên chị H. K. P (ở Thái Bình) có rất nhiều mối quan hệ trong nghề bất động sản (BĐS). Nhiều năm trong nghề, P. đã tiếp xúc với không ít khách. Có người khó tính, người dễ tính, có khách thì lại "đồng bóng" hoặc vô cùng khó đoán biết, song nữ tư vấn viên sinh năm 1993 cũng gặp nhiều vị khách có ý đồ xấu.
Theo chị P., cạm bẫy luôn bủa vây những nữ môi giới như cô. Vấn đề "gạ tình" hoặc đề nghị trao đổi tình lấy việc chốt mua căn hộ, dự án không hiếm. Chị P. thường xuyên gặp các vấn đề như vậy. "Có vài khách đầu tư khá nhiều tiền vào dự án, nhưng cách cư xử không tử tế. Họ hẹn xem dự án nhưng lại chủ động nắm tay nắm chân khi làm việc" - chị P. cho hay.
Chị P. cũng cho biết, đặc điểm nhận dạng đối tượng khách hàng có xu hướng gạ tình là thường xuyên hỏi han về cuộc sống riêng tư của nữ tư vấn. Ngoài ra, các vị khách này cũng ít nói chuyện về công việc và thường có cử chỉ thân mật khi làm việc trực tiếp.
Nhân viên môi giới bất động sản nữ bị gạ đổi tình lấy việc chốt đơn (Ảnh minh họa).
Lộ diện 4 nơi có giá nhà đất tăng cao, tăng đều nhất so với cả nước
Trong báo cáo về tình hình thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết giá căn hộ chung cư tại các địa phương vẫn có xu hướng tăng nhẹ theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TPHCM đều tăng do khan hiếm nguồn cung, khan hiếm dự án mới được mở bán.
Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư bình quân trong quý II tăng khoảng 2% so với quý I năm nay. Một số dự án có mức giá tăng cao hơn so với bình quân đạt khoảng 4-7%.
Ngoài phân khúc căn hộ, Bộ Xây dựng cũng cho biết giá nhà ở riêng lẻ tại các dự án thuộc nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.
Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có mức giá bình quân tăng khá cao và tăng đều so với mặt bằng chung cả nước trong nửa đầu năm nay.
Sốt đất đã hạ nhiệt.
Bộ Xây dựng: Giá đất nền đã giảm 10-20%, giao dịch vẫn thấp
Trong báo cáo về kết quả thực hiện quản lý thị trường nhà ở và bất động sản 6 tháng, Bộ Xây dựng cho biết, giá bất động sản cơ bản ổn định và có xu hướng tăng nhẹ tại một số địa phương. Thời điểm đầu năm nay đã có hiện tượng sốt đất cục bộ tại một số nơi nhưng theo ghi nhận mới nhất từ cơ quan quản lý, giá đất nền lao dốc.
Để ngăn ngặn, xử lý hiện tượng "sốt ảo" tại một số địa phương, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường.
Đến nay theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện tượng giảm giá (khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm). Tuy nhiên Bộ Xây dựng cho biết, lượng giao dịch thấp.
Nguyễn Khánh
Tổng hợp