Nhà sáng lập Xúc xích Đức Việt - ông Mai Huy Tân bị "sa lầy" tại dự án condotel Cocobay Đà Nẵng với số vốn hàng trăm tỷ đồng (ảnh: DĐDN)
Ông Tân kể: “Giữa năm 2016, khi thông tin xúc xích Đức Việt được chuyển nhượng cho nhà đầu tư Hàn Quốc tràn lan trên mặt báo, việc các nhân viên bán hàng có chào mời tôi đầu tư cũng là chuyện bình thường".
"Tôi có chia sẻ với một số báo, trong đó nói rõ rằng: Nhân viên bán hàng của Công ty Thành Đô (Tập đoàn Emipre) đã đến tận văn phòng mời tôi đầu tư vào Cocobay chứ không hề nói cá nhân ông Thành đến”, ông Mai Huy Tân giải thích rõ hơn với PV Dân trí trong vụ việc lùm xùm vừa qua.
Nói thêm về mối quan hệ với ông Thành, ông Tân cho biết, hai người quen biết nhau từ năm 1992. Sau khi làm nhà đầu tư lớn của Cocobay, ông Thành cũng có lần đến thăm ông Tân sau đợt mổ tim với ý nghĩa “chỗ anh em thân tình”.
Ông Tân cũng khẳng định, quan hệ cá nhân giữa hai bên là hoàn toàn bình thường, tích cực cho đến thời điểm Cocobay Đà Nẵng thông báo “vỡ trận” cam kết lãi suất. Sau vụ việc này, ông Tân thấy mình như người bị bội tín, cảm thấy rất sốc.
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Công ty Thành Đô lại cho rằng, ông Tân là người hưởng lợi nhiều nhất trong dự án Cocobay.
Trước thông tin này, ông Tân đáp lại: Tôi không biết ông Thành nói câu này với hàm ý gì. Theo 42 hợp đồng mua bán đối với 42 bất động sản mà tôi đã đầu tư kèm theo 42 hợp đồng hợp tác cho thuê thì Thành Đô trả cho tôi mỗi một năm là 67,7 tỷ trên tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên việc chi trả này đã thực hiện đúng cam kết trong 2 năm 2017 và 2018, còn vào năm 2019 thì theo ông Tân, thu nhập cam kết kỳ 1 (vào cuối tháng 6), Thành Đô chưa trả bất kỳ đồng nào. Sau nhiều lần lỡ hẹn, đến tháng 10, Thành Đô mới chỉ trả được 14,5 tỷ đồng, số nợ còn chưa trả là hơn 19 tỷ đồng của kỳ 1, còn kỳ 2 là hơn 34 tỷ đồng.
“Thành Đô chỉ trả thu nhập cho tôi và các khách hàng khác duy nhất vào tài khoản tại Ngân hàng SHB, do vậy ngay sau khi nhận được tiền thì ngân hàng này lập tức trừ nợ”, ông Tân nói.
Về hướng giải quyết, ông Tân tiếp tục khẳng định việc không hề muốn kiện cáo ông Thành.
“Giờ tôi chỉ mong cả 3 bên đã tham gia ký kết hợp đồng sẽ ngồi lại với nhau và tìm ra hướng giải quyết có sự đồng thuận cao chứ không phải là 3 giải pháp áp đặt mà ông Thành từng đưa ra. Vấn đề nằm ở chỗ ông Thành bây giờ có can đảm để ngồi nghe ý kiến khách hàng hay không mà thôi”, ông Tân nêu quan điểm.
Ông Tân cũng chia sẻ thêm, sau thương vụ bán lại xúc xích Đức Việt, ông đã có dự định gửi tiết kiệm hoặc chia cho con cháu rồi nghỉ ngơi nhưng sau đấy lại muốn tiếp tục làm việc, đóng góp, cống hiến.
Chính vì vậy đã thành lập Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức và tập trung vào các dự án biến rác thành điện ở Việt Nam, hiện tại công ty của ông Tân đang nộp hồ sơ đầu tư một dự án rất lớn tại Thành phố Đà Nẵng.
Ông Tân nói thêm, so với thời làm Xúc xích Việt Đức lãi 40%/năm, thì mức lãi suất 8-12% Thành Đô cam kết không phải là cao. Vị doanh nhân 70 tuổi cũng nhấn mạnh, việc dùng số tiền hợp pháp để đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận tại dự án này là hoàn toàn chính đáng, không có gì tham lam hay sai trái như một số bình luận thời gian qua.
Về phía lãnh đạo Công ty Thành Đô, trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Thành lại thông tin rằng chính ông Mai Huy Tân mới là người đến tìm ông để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng thông qua một đại lý bán hàng.
Ông Thành nói: Đầu năm 2017, ông Tân cùng với một đại lý và cháu của ông Tân là người môi giới có đến văn phòng gặp và nói rằng “Thành ơi anh muốn đầu tư vào đây”.
"Tôi có nói với ông Tân rằng với danh nghĩa là một người em quen biết từ lâu, tôi cam kết rằng nếu đầu tư vào Cocobay thì ông sẽ không mất tiền, nếu mất tôi đền. Sau đó, ông Tân có nhờ tôi đưa lên gặp ông Hiển để xin vay vốn ngân hàng và cũng nhờ tôi tác động để được vay với lãi suất tốt nhất đến nỗi ngân hàng gần như không có lãi", ông Thành nói.
Ông Thành nói, trước khi công bố việc ngừng chi trả cam kết lợi nhuận, ông đã làm việc riêng với ông Tân với tư cách là một nhà đầu tư lớn vào dự án và thuyết phục ông Tân thanh lý hợp đồng để nhận lại toàn bộ số tiền 600 tỷ đồng đã đầu tư vào Cocobay.
Ông Thành cho rằng, với phương án này, nhà đầu tư có thể dùng một phần trả nợ ngân hàng, số còn dư chắc chắn vẫn bảo toàn được 200 tỷ ban đầu mà Công ty Nhịp cầu Việt Đức đã rót vào Cocobay, "không đến mức phá sản" như ông Tân lo ngại.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin!
Nguyễn Mạnh