Hình minh hoạ. |
Tính chung trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm lớn thứ 2 sau chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 8 tháng năm 2018 xuất hiện “siêu” dự án bất động sản có địa điểm đầu tư tại Hà Nội.
Cụ thể, đó là Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) Bản đầu tư.
Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản vẫn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, với nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu thời gian gần đây cũng đang gia tăng nhu cầu đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại thông qua việc sở hữu các tòa nhà làm trụ sở văn phòng hoặc phòng trưng bày, triển lãm tại các khu vực ngoài trung tâm.
Nhà đầu tư Mỹ cũng đang rất năng động khi quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Điển hình là quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus có trụ sở tại New York, đã cam kết rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam. Phần lớn dòng vốn này đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục bất động sản bao gồm thương mại, khách sạn và công nghiệp.
Nhận định về thị trường bất động sản nửa đầu năm 2018, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam từng cho rằng nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường trong nước theo chiều hướng tích cực và thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI. Đây là sự khởi đầu khá thuận lợi cho năm 2018 với những diễn biến đầy hứa hẹn trên mọi phân khúc bất động sản.
Với diễn biến hiện nay, theo dự báo từ giới chuyên môn, năm 2018 cũng được cho sẽ là một năm kỷ lục mới cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Hình thức đầu tư này ngày càng trở nên phổ biến, khi nó kết hợp được thế mạnh của cả hai bên nhà đầu tư nước ngoài với khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm trong khi các doanh nghiệp địa phương sở hữu quỹ đất lớn và am hiểm về trình tự, thủ tục đầu tư…
Hơn nữa, chính sách mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng sẽ tạo ra sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản một cách mạnh mẽ.
Nguyễn Mạnh