Fica
  1. Bất động sản

Đại gia địa ốc: Người lỗ vài trăm tỷ đồng, kẻ nhận tin đau sau soát xét

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Hé lộ những khoản lỗ khủng của đại gia bất động sản; sau soát xét doanh nghiệp báo lỗ gấp hơn 10 lần so với con số trong báo cáo tự lập... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Hé lộ những khoản lỗ khủng của đại gia bất động sản

Bất động sản là lĩnh vực được coi là “khát vốn” nhất trong cuộc đua phát hành trái phiếu khi liên tiếp dẫn đầu về tổng lượng phát hành.

Khi doanh nghiệp thực hiện phát hành riêng lẻ trái phiếu buộc phải thực hiện công bố thông tin tài chính, mặc dù thông tin còn khá sơ sài song qua đó đã hé lộ những khoản lỗ rất lớn ở những doanh nghiệp chưa niêm yết.

Đại gia địa ốc: Người lỗ vài trăm tỷ đồng, kẻ nhận tin đau sau soát xét - 1

Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2020 chứng kiến nhiều khó khăn.

Trong báo cáo về thông tin tài chính cơ bản gửi Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Dịch vụ NewCo cho biết về khoản lỗ khủng tới 779 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng phát hành trái phiếu lên tới cả nghìn tỷ đồng là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông. Lợi nhuận sau thuế của công ty này âm 139,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Loạt đại gia bất động sản "lỗ đau" sau soát xét

Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức lỗ khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp sau soát xét có mức lỗ lớn hơn nhiều lần so với báo cáo tự lập trước đó.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã CK: LGL) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét với những biến động khá lớn về lợi nhuận so với báo cáo tự lập công bố trước đó.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của LGL âm 58,2 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với con số lỗ 5,5 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Sau soát xét bán niên 2020, khoản lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã CK: TDH) cũng lên tới 20 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 7 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, Nhà Thủ Đức vẫn lãi 57 tỷ đồng.

Hà Nội xóa sổ một dự án "ôm" đất rồi bỏ hoang hơn thập kỷ

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vừa có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng , xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Dự án này đã được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 6/2008 cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam.
Lý do chấm dứt hoạt động là do sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ được chấp thuận, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

Đại gia địa ốc: Người lỗ vài trăm tỷ đồng, kẻ nhận tin đau sau soát xét - 2

Khu đất rộng hàng nghìn m2 tại phường Mễ Trì đã giao cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam làm nhà ở để bán nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thanh tra.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa khởi công xây dựng, trong khi giấy chứng nhận đầu tư đã hết hạn từ tháng 6/2011 và chưa được gia hạn mới.

Muốn mua nhà ở xã hội phải “đi đêm”

Theo chia sẻ của anh Liêm, hiện anh cùng vợ và 1 con nhỏ đang thuê trọ tại quận Hà Đông để tiện cho việc đi làm. Hai vợ chồng tích cóp mấy năm cộng với tiền xin người nhà 2 bên gia đình bán mấy sào ruộng ở quê mới chỉ được ngót nghét 1 tỷ đồng, chưa thể với tới những chung cư thương mại nên anh chị quyết định tìm mua một căn NƠXH theo hình thức trả góp 1 phần.

Xét về điều kiện thì vợ chồng anh không phải đối tượng ưu tiên cao nhất nên phải làm hồ sơ xin mua, còn có được bốc thăm, bốc thăm có trúng hay không là cả một hành trình dài.

Anh Liêm có liên hệ với 1 môi giới bán hàng cho dự án NƠXH IEC Thanh Trì thì được tư vấn nói, anh cứ làm hồ sơ bình thường. Tuy nhiên, muốn chắc chắn bốc được suất mua và chọn được căn diện tích dưới 70m2, anh phải nộp ngoài 70 triệu đồng, chia làm 2 lần, 50% khi gửi hồ sơ và 50% khi ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Di dời 8 sở, ngành Hà Nội về khu liên cơ: Vẫn xin giữ "đất vàng"

Cuối tháng 7/2020, khu liên cơ (Xuân La, Tây Hồ) đã lần lượt đón cán bộ ở các sở, ngành về làm việc tại đây. Đầu tiên là Sở Xây dựng Hà Nội, sau đó là Sở GTVT, Sở KH&CN, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở KH&ĐT…

Đại gia địa ốc: Người lỗ vài trăm tỷ đồng, kẻ nhận tin đau sau soát xét - 3

Trụ sở Sở Xây dựng đang mọc lên khu liên cơ mới

Đến nay, chỉ còn Sở TN&MT Hà Nội đang chuẩn bị các bước cuối cùng để chuyển trụ sở về Khu liên cơ Võ Chí Công. Các sở, ngành còn lại đã hoàn thành di dời.

Tuy vậy, trụ sở nhiều cơ quan sau khi di dời lại được các đơn vị từng sử dụng trụ sở đó đề xuất được giữ lại chứ không trả lại cho thành phố để triển khai công trình công cộng như mong đợi của người dân.

Sau khi Sở Tài chính và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội dời đi, khu “đất vàng” tại 38B Hai Bà Trưng, 31B Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) đang cửa đóng then cài. Chỉ có bảo vệ hai cơ quan này ở lại trông nom tại cửa chính. Hai cơ quan này cũng đề xuất xin giữ lại trụ sở cũ để tạo điều kiện hoạt động cho một số đơn vị trực thuộc.

Nguyễn Khánh

Tổng hợp