Fica
  1. Bất động sản

Đại gia đi tù, dự án bế tắc hoang tàn

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chủ đầu tư địa ốc một thời oanh liệt giờ vướng vòng lao lý, số phận các dự án bỏ hoang hàng thập kỷ chưa biết đi đâu về đâu?

Ông chủ vào tù, dự án bất động

Sau khi ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vina Megastar, bị bắt vào năm 2013 về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, đến nay, hai dự án của Vina Megastar gần như dậm chân tại chỗ.

Dự án Hesco Văn Quán do Công ty Cổ phần Bất động sản Megastar (công ty con) và Công ty Cổ phần Thiết bị Thủy lợi phối hợp đầu tư xây dựng, có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2009, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2012.

Cùng chung số phận, Vĩnh Hưng Dominium khởi công xây dựng từ đầu năm 2011, nay vẫn là bãi đất trống. Dự án này có tổng diện tích 1,2ha; trong đó diện tích sàn xây dựng là 1,1ha, diện tích dành cho cây xanh là hơn 0,1ha.

Vĩnh Hưng Dominium gồm tổ hợp công trình có chức năng thương mại, văn phòng, căn hộ gia đình. Theo thiết kế, dự án sẽ có hai tòa nhà ở, gồm một tòa 25 tầng và một tòa 35 tầng, một khu nhà thấp tầng bao gồm 12 căn 4 tầng nằm giữa 2 toà nhà.

Đại gia đi tù, dự án bế tắc hoang tàn - 1

Cũng chung kết cục tương tự là loạt dự án gắn liền với bà Châu Thị Thu Nga. Bà Nga đã bị cơ quan chức năng xét xử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, những dự án còn lại vẫn đang dang dở.

Dự án B5 Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) là dự án liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing (Housing Group).

Dự án được khởi công từ 2009, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua và đóng tới 60% giá trị căn hộ, có khách hàng nộp nhiều hơn. Năm 2010-2011, dự án B5 Cầu Diễn rất “hot” trên thị trường với giá giao dịch khoảng 10-15 triệu đồng/m2.

Trong nhiều năm nay, rất nhiều lần khách hàng mua căn hộ ở dự án này đã kéo nhau tới trụ sở Housing Group để khiếu nại, hay đến tận công trình dự án căng băng rôn đòi quyền lợi nhưng đều bị từ chối.

Tại đường Phạm Hùng, dự án Nam Đàn Plaza cũng từng đình đám với Trịnh Xuân Thanh. Khi đó, ông Thanh, trên cương vị Chủ tịch HĐQT PVC, đã chỉ đạo lãnh đạo PVP Land bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá trị thực tế để cùng nhau chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. 7 năm sau thương vụ trên, cơ quan điều tra đã khởi tố Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm với tội danh “Tham ô tài sản”.

Hiện, dự án vẫn bỏ hoang. Theo thiết kế ban đầu, dự án có tổng diện tích đất 9.584 m2, giấy phép xây dựng 44 tầng, tổng mức đầu tư 220 triệu USD (trong đó giá trị xây dựng là 185 triệu USD, giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD).

Hay như Hà Văn Thắm cũng gắn liền với nhiều dự án. Ngày 5/11/2012, Ocean Group đã mua lại 18,1 triệu cổ phiếu PVR của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR), từ công ty mẹ là Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Đại gia đi tù, dự án bế tắc hoang tàn - 2

Thương vụ mang về số tiền hơn 180 tỷ đồng cho PVC và giúp tổng công ty này dứt khỏi “con bệnh” PVCR lúc đó đang sa lầy với dự án bất động sản chung cư cao cấp Hanoi Times Tower (quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo tiến độ mà PVCR cam kết với khách hàng, công trình sẽ được thi công xong phần móng vào tháng 10/2011, xong phần thô (tầng 35) vào tháng 10/2012 và bàn giao nhà cho khách hàng vào quý IV/2013. Đến nay, dự án đã tạm dừng thi công.

Đổi chủ, thu hồi

Sau vụ việc hàng loạt đại gia bị bắt, điểm lại các bê bối bất động sản liên tiếp xảy ra gần đây đều có điểm chung là huy động tiền tỷ từ khách hàng dưới hình thức góp vốn, sau đó dùng vào mục đích khác, thay vì đầu tư dự án để bàn giao nhà cho khách hàng.

Thực tế, khi các đại gia bị bắt, pháp nhân doanh nghiệp chủ đầu tư vẫn còn song dự án không thể triển khai do không còn nguồn tài chính. Chính vì thế, để giải quyết thế nào với các dự án này là điều khó khăn.

Với những dự án chủ đầu tư chưa huy động vốn từ bên ngoài, cơ quan chức năng có thể thu hồi lại. Đơn cử, UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đề nghị UBND thành phố kiểm tra, thanh tra, xem xét thu hồi dự án Nam Đàn Plaza do chậm tiến độ nhiều năm.

Hướng mở khả dĩ nhất là chủ đầu tư bán hết dự án cho đối tác khác như StarCity Centre hay còn được biết tới là “dự án vành khăn” của Ocean Group. Khi đó Ocean Group giới thiệu dự án này là một dự án trọng điểm của công ty, có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 400.000m2 gồm khu văn phòng, căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại khép kín, trong đó có 180.000m2 mặt bằng bán lẻ, diện tích căn hộ là 161.000m2, diện tích văn phòng 22.500m2, diện tích khách sạn 38.500m2.

Dự án StarCity Centre vẫn đang trong giai đoạn chuyển chủ sau khi Ocean Group gặp biến cố lớn vào tháng 10/2014. Sau đó, Ocean Group bán dự án cho nhà đầu tư khác.

Trong khi chờ các chủ đầu tư triển khai lại dự án thì người mua nhà đang phải mòn mỏi. “Tôi góp hơn 800 triệu đồng vào dự án này, mấy năm qua đòi mãi chỉ thấy toàn hứa hẹn. Việc hô hào mang biểu ngữ tới công trường, nhà riêng không giải quyết được vấn đề gì. Can thiệp của cơ quan pháp luật có lẽ là giải pháp cuối cùng để thoát khỏi dự án và lấy lại được tiền”, một khách hàng cho hay.

Theo Duy Anh

VietnamNet