Fica
  1. Bất động sản

"Đại bàng" xuất hiện, chuỗi đại gia Nhật, Hàn kéo đến xây tổ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung nhiều ở Bắc Ninh, còn Bắc Giang đang hình thành hàng loạt chuỗi của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan. Bất động sản công nghiệp sẽ hưởng lợi từ làn sóng này.

Theo chân đại bàng

Tập đoàn Công nghệ Foxconn, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết sẽ đầu tư khoảng 700 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2021. Tính đến cuối năm 2020, Foxconn đã đầu tư 1,5 tỷ USD Việt Nam và đang có kế hoạch tuyển thêm 10.000 việc làm trong năm nay.

Việc Foxconn, đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, được đánh giá là sẽ tạo hiệu ứng để các tập đoàn sản xuất điện tử khác tìm đến Việt Nam trong thời gian tới.

Sự có mặt của Foxconn kéo theo hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan tới Bắc Giang. Lĩnh vực đầu tư chính vẫn là nhà máy công nghệ cao, đối tác sản xuất sản phẩm cho nhiều thương hiệu lớn. Đơn cử như Luxshare-ICT Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Luxshare-ICT Precision, đang sở hữu 2 nhà máy tại Bắc Giang.

Luxshare hiện đứng thứ 20 trong top 100 công ty lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong 3 công ty sản xuất sản phẩm cho tập đoàn Apple, trong đó thương hiệu điện thoại đình đám iPhone.

Đại bàng xuất hiện, chuỗi đại gia Nhật, Hàn kéo đến xây tổ - 1

Hàng loạt khu công nghiệp đang mở rộng

Nếu như Bắc Giang nổi bật với các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan thì Bắc Ninh cũng tương tự. Theo chân Samsung, hàng loạt nhà đầu tư Hàn đã có mặt tại tỉnh này. Các dự án FDI của Hàn Quốc chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, cơ khí chính xác, chế biến nông sản thực phẩm, các ngành dịch vụ phục vụ và công nghiệp dân dụng.

Một số dự án đầu tư lớn của Hàn Quốc tại Bắc Ninh là Công ty TNHH Samsung Display, Intops, Samsung SDI, Crucial Tec, Hana Micron thuộc khu công nghiệp (KCN) Yên Phong; tiếp đến là Hanwha Techwin thuộc KCN Quế Võ; Công ty Hyosung thuộc KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh.

Tại Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LG Display Hải Phòng cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng - thuộc Tập đoàn LG Hàn Quốc làm chủ đầu tư - với số vốn 750 triệu USD. Dự án thực hiện tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Đây là phần vốn đầu tư tăng thêm được điều chỉnh từ tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD đã đầu tư trước đó.

Đại diện JLL cho rằng, sự có mặt của các doanh nghiệp lớn sẽ kéo theo hàng loạt nhà máy công nghiệp hỗ trợ đi theo. Các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung nhiều ở Bắc Ninh, còn Bắc Giang đang hình thành hàng loạt các chuỗi của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan. Bất động sản công nghiệp sẽ hưởng lợi từ làn sóng này.

Theo khảo sát của JLL, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc đạt khoảng 9.500 ha, trong khi nguồn cung nhà xưởng xây sẵn ở mức 1,8 triệu m2 sàn. Bắc Ninh và Hải Phòng là hai thị trường có nguồn cung bất động sản công nghiệp dồi dào nhất ở miền Bắc, nhờ vào vị trí chiến lược, hệ sinh thái khu công nghiệp lâu đời và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Dọn chỗ xây tổ cho "đại bàng"

Nhờ vào làn sóng FDI vào nửa cuối năm 2020, đặc biệt từ lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp vẫn được duy trì ở mức 75%,trong khi tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn là ở mức 98%. Việc sản xuất phục hồi mạnh mẽ dẫn đến khả năng bùng nổ về nhu cầu bất động sản công nghiệp trong tương lai đã thúc đẩy sự leo thang của giá đất công nghiệp.

Tại phía Bắc, giá đất đã đạt đỉnh mới, ở mức 107 USD/m2, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng ghi nhận đà tăng ở mức 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường Bắc Ninh có mức tăng mạnh mẽ nhất, ở mức 9% nhờ vào sự ra đời của một số nhà xưởng xây sẵn mới có chất lượng cao.

Đại bàng xuất hiện, chuỗi đại gia Nhật, Hàn kéo đến xây tổ - 2

Số liệu giá thuê bất động sản công nghiệp (Số liệu: JLL)

Ở khu vực phía Nam, mức giá cho thuê bất động sản công nghiệp cũng tăng mạnh. Hầu hết các chủ đầu tư KCN tại phía Nam vẫn duy trì đà tăng giá đất tăng mạnh và đạt đỉnh mới tại 111 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1/2021. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng cho toàn khu vực, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ mở rộng sản xuất.

Đồng Nai và Bình Dương dẫn đầu cả nước về bất động sản công nghiệp. Các địa phương khác ở miền Nam vẫn còn một hành trình dài để bắt kịp nguồn cung KCN của Bình Dương và Đồng Nai vì đây là hai thị trường phát triển lâu đời nhất.

Trong khi xét về nguồn cung nhà xưởng xây sẵn, Đồng Nai vượt trội hơn các tỉnh khác do có nền công nghiệp phát triển và quỹ đất đủ cho các chủ đầu tư nhà xưởng xây sẵn gia nhập. Nhìn chung, nguồn cung BĐS công nghiệp ở miền Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong khu vực và củng cố vị trí dẫn đầu về nguồn cung.

Để đón đầu vốn đầu tư nước ngoài, các địa phương đã tích cực thúc đẩy việc mở rộng các khu công nghiệp, với khoảng 10.500 ha đất đã được quy hoạch thêm. Bên cạnh các tỉnh công nghiệp nổi bật, Hưng Yên, Hải Dương hay các tỉnh xa hơn về phía Bắc như Bắc Giang, Vĩnh Phúc đang thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, giá đất ở các khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng ở mức 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo sẽ tiếp tục sôi động, với khoảng 332.000m2 xưởng mới được đưa ra thị trường tính đến cuối năm 2021, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng và Bắc Ninh

Các tỉnh phía Nam cũng đã đưa ra kế hoạch thành lập thêm các KCN mới với tổng diện tích khoảng 23.400 ha, tất cả đều nằm ở các thị trường tiêu biểu lân cận TP.HCM. Thị trường nhà xưởng xây sẵn dự kiến sẽ tiếp tục sôi động, với khoảng 897.000 m2 sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, để đón làn sóng đầu tư, theo ông Shin Byung Chul, Phó Chủ tịch cấp cao Hanwha Energy kiêm Tổng giám đốc Hanwha Energy Việt Nam (Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc), vấn đề quan trọng là Việt Nam cần chuẩn bị cả nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này càng cần thiết khi ngày càng nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ đổ vào Việt Nam.

Theo D.Anh
VietnamNet

Tin liên quan