Ở Hà Nội, hiện còn rất nhiều khu tập thể cũ như: Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân Bắc,… được xây dựng từ năm 1960 – 1970. Tại đây, không khó để thấy những “chuồng cọp” mọc ra nhấp nhô với các hình dáng, chất liệu và kích cỡ khác nhau.
“Chuồng cọp” mọc ra từ các tầng là hình ảnh đặc trưng của các khu tập thể cũ hiện nay. Nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích đất nhà tập thể không thể đáp ứng được hết nên số lượng “chuồng cọp” ngày càng nhiều. Hầu hết các hộ dân sống tại khu tập thể đều làm “chuồng cọp” để tăng diện tích khu đất.
“Chuồng cọp” làm tăng diện tích mỗi phòng tại khu tập thể từ vài mét đến cả chục mét vuông. Có căn hộ, diện tích cơi nới tương đương một phòng.
Hình ảnh một “chuồng cọp” tại khu tập thể Thành Công còn để lộ các lớp gạch. Hầu hết các “chuồng cọp” được xây dựng tự phát bằng việc khoan tường, dựng các dầm thép và dùng các tấm gỗ làm sàn rồi dùng tôn để quây kín.
Các “chuồng cọp” đều được người dân cơi nới, mở rộng từ ban công hay cửa sổ của ngôi nhà. Tuy nhiên, điều này có thể gây hoạ cho chính các gia đình nơi đây. Nếu xảy ra hoả hoạn, rất khó để thoát ra bởi các lối thoát như ban công, cửa sổ lại bị bịt kín bởi những song sắt kiên cố của “chuồng cọp”.
Mọi sinh hoạt của gia đình như đun nấu, phơi phóng quần áo, trồng cây cảnh hay thành những căn phòng ở đều có thể được gói gọn trong “chuồng cọp”.
Không ít những hộ dân vì muốn cơi nới tối đa diện tích để ở nên bất chấp mọi nguy hiểm, đua ra ngoài tận 3 - 4 mét, vừa mất an toàn cho bản thân và gia đình, vừa làm mất mỹ quan đô thị.
Người dân sống tại đây phần nào đó biết được sự nguy hiểm và mất an toàn của việc làm nhiều “chuồng cọp” nhưng vẫn bỏ qua bởi diện tích nhà ở quá nhỏ, không thể đủ cho như cầu sinh hoạt.
Số lượng “chuồng cọp” ngày càng lớn, xuất hiện ngày càng nhiều ở các khu tập thể, làm cho bề mặt khu tập thể bị lồi lõm.
Những “khối khung sắt” nhô ra che kín cửa cầu thang. Nhiều người còn không nhận ra được đâu là tường của khu tập thể bởi việc dựng “chuồng cọp” trở nên phổ biến quá mức.
Đa số các khu tập thể hiện nay đều cao từ 3 – 5 tầng. Mỗi tầng trung bình 1 cái “chuồng cọp”. Cứ thế các căn nhà, các “chuồng cọp” chồng lên nhau khiến cho các hạng mục trong khu tập thể ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu thang trong khu tập thể thiết kế theo kiểu “uốn lượn” để người dân dễ dàng dắt xe lên các tầng nhà. Tuy nhiên, với thiết kế này kèm với việc nhiều “chuồng cọp” xuất hiện thì áp lực đè lên cầu thang sẽ rất lớn, sự an toàn của người dân khó có thể được đảm bảo.
Giữa các dãy tập thể đều có một khoảng sân chung tương đối rộng. Từ lâu, những khoảng sân này đã trở thành nơi bán hàng của những hộ dân sống ở các khu tập thể. Diện tích nhà ở chật chội, các khu nhà cao tầng xuống cấp trầm trọng, là 1 trong những lý do khiến nhiều người dân Hà Nội ngày càng có xu hướng dịch chuyển ra các khu vực ngoại thành sinh sống.
Đức Anh