Theo số liệu từ Hội môi giới bất động sản Việt nam, quý I/2021 tại Hà Nội không có căn hộ mới được chào bán ra thị trường. Tổng sản phẩm căn hộ chào bán trên toàn thị trường Hà Nội đạt 14.114 căn hộ. Trong khi, con số giao dịch chỉ là 3.734 căn hộ, đạt tỷ lệ 26,45%.
Đáng chú ý, phân khúc căn hộ có giá bán trên 35 triệu đồng/m2 khó bán và đạt tỷ lệ hấp thụ rất thấp (15,3%). Con số này cho thấy, nhu cầu của thị trường với các sản phẩm chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp hiện rất thấp.
Theo khảo sát của PV tại một dự án chung cư cao cấp trên đường Trần Duy Hưng - dự án đã được bàn giao. Song, thời điểm hiện tại, rất nhiều người đang muốn rao bán căn hộ tại đây. Lượng căn hộ cho thuê ở đây cũng rất lớn, thế nhưng chủ nhà đăng bài nhiều lần trong hội nhóm cư dân vẫn không tìm thấy khách hỏi mua.
Theo một cư dân tên P. V, hàng xóm nhà chị đang có nhu cầu bán một căn góc 3 phòng ngủ, có view nhìn ra trường học rất đẹp. Đây là một trong những căn hộ có vị trí đẹp nhất nhì dự án.
Nhiều dự án chung cư cao cấp đang được người mua bán cắt lỗ vì nhiều lý do.
Thời điểm chủ nhà mua, giá căn hộ lên tới 5,4 tỷ đồng. Còn hiện tại theo chị V, chủ nhà chỉ có mong muốn thu về 4,7 tỷ đồng, lỗ 700 triệu đồng chưa kể các khoản lãi suất ngân hàng nếu phải đi vay.
"Dự án này tuy có hành lang bé, nhưng chất lượng dịch vụ, tiện ích tốt, lại có vị trí đẹp, nên có thể cho thuê giá cao" - chị V nói.
Tuy nhiên, hiện mức giá thuê tại đây khá cao, dao động từ 8 - 16 triệu đồng/tháng. Mức giá này không phải ai cũng có điều kiện để thuê, nhất là trong thời điểm dịch Covid đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống.
Không những vậy, Covid cũng khiến khách nước ngoài không thể sang Việt Nam. Mất đi nguồn khách này nên tình trạng ế ẩm càng kéo dài.
Tại một dự án khác mới bàn giao chưa được 1 năm tại Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều cư dân quá chán nản vì phải đấu tranh với chủ đầu tư nên đã bán cắt lỗ nhà để tìm mua nơi khác.
Theo đó, chị N.T.T.N (ở Duy Tân, Cầu Giấy) cho hay, dự án quảng cáo ở Cầu Giấy, nhưng thực tế quản lý hành chính lại ở Nam Từ Liêm. Việc này đến khi cư dân nhận nhà mới "té ngửa" ra, do đó, việc học hành của các con tại tòa nhà bị ảnh hưởng không nhỏ.
Mâu thuẫn với chủ đầu tư cũng là lý do khiến người dân muốn bán nhà.
"Hàng xóm nhà tôi đã phải bán nhà và mua tại một dự án khác để tiện cho con đi học. Nhưng đó chỉ là một phần lý do, việc quản lý vận hành có quá nhiều mâu thuẫn dẫn đến cư dân cảm thấy chán nản, dù phải bỏ ra số tiền vài tỷ đồng để mua chung cư cao cấp" - chị N cho hay.
Căn hộ hàng xóm chị N mua với giá 2,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vài tháng dọn về ở, chủ nhà đã phải bán vội vàng với giá 2,57 tỷ đồng, lỗ 190 triệu đồng.
"Ôm" hàng chờ lên giá, nhưng mỗi căn lỗ tiền trăm.
Một số dự án chung cư cao cấp ở ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm có giá 35 triệu đồng/m2, chất lượng và dịch vụ đều tốt. Tuy nhiên, do cộng đồng dân cư chưa đông, quãng đường vào nội thành xa nên nhu cầu mua để ở rất ít.
Lý do này khiến dân đầu cơ "ôm" nhà số lượng lớn tại đây đang rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Đáng nói, không ít người đã mua 4 - 5 căn hộ tại đây khi dự án vừa mở bán, giá mỗi căn dao động từ 1,7 - 2,2 tỷ đồng.
Thế nhưng hiện tại, dù đã bán cắt lỗ 200 - 300 triệu đồng/căn hoặc gửi ra các phòng giao dịch bất động sản, "cò" đất, hay rao bán qua người quen cũng chưa có khách. Thậm chí, một số phòng giao dịch còn từ chối bán hộ vì chủ đầu tư vẫn còn hàng và có ưu đãi ngập tràn.
Bán cũng không được, cho thuê lại phải đầu tư hàng trăm triệu đồng làm nội thất mỗi căn, nhiều chủ nhà đành ngậm ngùi để không.
Thế Hưng