Fica
  1. Bất động sản

Chủ tịch VinaCapital: Khủng hoảng thanh khoản của các công ty bất động sản có thể dễ dàng giải quyết

Ninh An
Ninh An

Chủ tịch VinaCapital Don Lam đề xuất 3 giải pháp ngắn hạn để giải quyết thanh khoản cho các công ty bất động sản.

Mặc dù kinh tế vĩ mô tăng trưởng vững chắc năm 2022, thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam kết thúc năm với nhiều quan ngại. Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2022 lần thứ 5, ông Don Lam, Tổng giám đốc Chủ tịch quỹ VinaCapital nêu ra 3 vấn đề tồn tại về thị trường bất động sản trong thời gian qua:

Thứ nhất, chỉ số VN Index giảm khoảng 30% (tính đến ngày 9/12) do giá cổ phiếu bất động sản và ngân hàng giảm sâu so với các thị trường châu Á khác và thuộc nhóm những thị trường giảm nhiều nhất thế giới

Thứ hai, thị trường trái phiếu doanh nghiệp “đóng băng”, với lượng phát hành trái phiếu giảm khoảng 50% so với năm ngoái

Thứ ba, lĩnh vực bất động sản trong tình trạng gần như “đóng băng” do khó khăn do thanh khoản

“Những vấn đề này đã che phủ câu chuyện tăng trưởng kinh tế rất tích cực của Việt Nam và có thể ảnh hưởng không chỉ đến tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà còn đến vị thế của đất nước trong mắt các nhà đầu tư dài hạn nếu không được giải quyết đúng đắn và nhanh chóng”, ông Don Lam đặt vấn đề.

Chủ tịch quỹ VinaCapital đặt câu hỏi liệu chúng ta có thể làm gì để giải quyết tình trạng hiện tại, phục hồi sự ổn định cũng như ngăn chặn những vấn đề này trong tương lai. Đặc biệt là vấn đề khó khăn thanh khoản  ngắn hạn của thị trường bất động sản.

“Các công ty bất động sản Việt Nam đang đối mặt tình trạng khủng hoảng thanh khoản mà chúng tôi tin rằng có thể dễ dàng giải quyết”, ông Don Lam khẳng định.

Chủ tịch quỹ VinaCapital nhận định thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản là lành mạnh.

Chủ tịch quỹ VinaCapital nhận định thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản là lành mạnh. Nhu cầu về các sản phẩm nhà ở tại Việt Nam vẫn rất lớn nhưng các công ty bất động sản không có vốn để hoàn thành dự án

Các công ty bất động sản Việt Nam đang khủng hoảng thanh khoản bởi 3 nguyên nhân. Đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Thứ hai, các ngân hàng được khuyến khích cho người mua nhà vay thay vì cho các công ty bất động sản vay. Cuối cùng, các công ty bấ động sản ở Việt Nam vay ngắn hạn (khoảng 2 năm) cho các dự án dài hạn và việc tái cấp vốn cho các khoản nợ đó đôi khi có thể khó khăn.

Đại diện quỹ VinaCapital tin rằng việc giải quyết các vấn đề số 1 và số 2 ở trên là tương đối dễ dàng, và có thể giúp thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường trong vòng 6 tháng tới. Giải quyết vấn đề số 3 là cần thiết để đảm bảo sức khỏe lâu dài của thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

Một điểm đáng lưu ý là thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản là lành mạnh (không giống như Trung Quốc, nơi các công ty bất động sản sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính và có tình trạng xây dựng quá mức ồ ạt), vì vậy việc giải quyết các vấn đề trước mắt là khá dễ dàng.

Ông Don Lam đề xuất 3 giải pháp ngắn hạn để giải quyết thanh khoản cho các công ty bất động sản bao gồm:

Đầu tiên là giúp các công ty bất động sản dễ dàng tiếp cậntín dụng ngân hàng, bằng cách giảm đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này (ví dụ: từ mức 2x xuống còn 1,5x) hoặc thông qua cho vay trực tiếp.

Thứ hai, nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách bơm tiền vào thị trường tiền tệ hoặc mua dự trữ ngoại hối.

Đồng Việt Nam đã mạnh lên đáng kể trong thời gian gần đây và lạm phát đang được kiểm soát, điều này tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thứ ba, thiết lập quỹ/chương trình cứu trợ: Bước mạnh nhất và kịp thời nhất mà Chính phủ có thể làm là thành lập quỹ/chương trình cứu trợ, tương tự như một vài quốc gia khác.

Ninh An