Tháo gỡ cho từng dự án
Hôm nay (22/2), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ tiêu quy hoạch dân số trong xây dự án nhà ở
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu kiến nghị hàng loạt vấn đề liên quan đến dự án nhà ở của doanh nghiệp.
Ông Châu cũng tranh luận một số vấn đề mấu chốt trong thực hiện dự án nhà ở như: thời gian giải quyết các bước trong quy trình thủ tục thực hiện dự án, thời điểm doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính...
Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản thành phố cũng đề nghị bổ sung "Chỉ tiêu quy hoạch về dân số" theo hướng tạo điều kiện cho nhà đầu tư dự án xây dựng lại chung cư cũ, vừa đảm bảo đủ quỹ nhà để thực hiện tái định cư tại chỗ, vừa có thêm căn hộ để bán kinh doanh, thu hồi vốn và có lãi hợp lý.
Theo ông Châu, chỉ tiêu dân số là cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Trước đây, tổng điều tra dân số năm 2009 thì dân số thành phố chưa tới 8 triệu người và năm 2019 là 8,9 triệu.
"Nhưng thực tế, như Chủ tịch TP đã nói: số dân tại thành phố là 13 triệu. Như vậy, chúng ta dùng con số nào để làm kế hoạch, đây là vấn đề khoa học. Không tháo gỡ được "rào cản" về chỉ tiêu dân số thì làm hạn chế phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Thực tế, doanh nghiệp không thể làm được chương trình cải tạo chung cư cũ và kênh rạch. Bởi vì đều phụ thuộc vào một yếu tố là chỉ tiêu dân số" - ông Châu nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để mỗi tuần giải quyết được 3-4 dự án
Ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc tại hàng loạt dự án của 19 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố, trong đó có nhiều dự án kéo dài.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ làm việc trực tiếp, cụ thể từng dự án một.
"Mỗi tuần sẽ gặp chủ đầu tư để giải quyết từ 3-4 dự án. Nếu vướng pháp luật thì thông báo và tháo gỡ, còn vướng trình tự thủ tục thì cố gắng làm nhanh. Nội dung gì cần nhà đầu tư bổ sung thì cơ quan chức năng yêu cầu" - ông Hoan nói.
Dự án bị "ngâm" 11 tháng
Liên quan đến nhóm dự án được kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, đại diện doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn khi thực hiện nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh.
Theo đó, từ những bất hợp lý giữa các thông số kỹ thuật trong đồ án quy hoạch (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng...) dẫn đến gần một năm nay doanh nghiệp không xin được quyết định chủ trương đầu tư để triển khai dự án.
Đại diện doanh nghiệp bất động sản phản ánh những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo TPHCM
Nghe đến đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bức xúc: "Chỉ việc nhỏ như thế mà kéo dài tới 1 năm trời. Làm ăn kiểu gì vậy? Chuyện đó chỉ cần 1 tuần".
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã phân trần rằng vấn đề liên quan là chỉ tiêu dân số rất khó giải quyết.
Ông Phong cắt lời: "Vấn đề ở đây là sự phối hợp của các ở, ngành để hướng dẫn, giải quyết cho doanh nghiệp. Được hay không thì chưa nói đến. Đằng này im lặng kéo dài 11 tháng. Đây là chuyện rất nhỏ. Thử hỏi có bức xúc không? Chỉ sự phối hợp không đồng bộ thì cái giá phải trả là 11 tháng chờ đợi của doanh nghiệp."
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan tiếp lời, đáng ra Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải thấy được mâu thuẫn giữa các con số và tự giải quyết. Ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết sẽ tiếp thu vấn đề để kiểm tra lại.
Kết luận buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong một lần nữa đề cập trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành trong giải quyết khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp.
"Vấn đề quan trọng là giải quyết các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án. Điều này có lợi cho doanh nghiệp và cũng có lợi cho thành phố. Do đó, phải cùng hợp tác xử lý, không để kéo dài, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển thành phố, kinh doanh của doanh nghiệp, uy tín của cơ quan chức năng..." - ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành trong việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
Về một số kiến nghị vượt thẩm quyền, ông Phong cho biết Thành phố sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ, cơ quan Trung ương để báo cáo vướng mắc khó khăn trong hoạt động bất động sản trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến chỉ tiêu dân số tại các dự án nhà ở, ông Phong cho biết thành phố đang chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó có vấn đề dân số. Theo ông, dân số tăng nhanh khiến thành phố gặp nhiều bất cập về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Ông Phong thông tin, thống kê mang tính pháp lý thì thành phố có 8,9 triệu dân. Nhưng thực tế người sinh sống làm việc ở thành phố là 13 triệu. Bộ máy hành chính, bệnh viện, trường học phục vụ cho 13 triệu người.
Tuy vậy, ngân sách thành phố được cấp phát chỉ phục vụ cho 8,9 triệu người. Hàng năm thành phố đóng góp ngân sách hơn 27% nhưng ngược lại, chi bình quân cho thành phố chỉ khoảng 5%.
"Điều này không cân đối, đóng nhiều nhưng được chi thấp. TP đang làm đề án cân đối ngân sách xin Trung ương. Rất nhiều vấn đề đặt ra khi nói về dân số thành phố" - ông Phong nói.
Ở chiều ngược lại, ông Phong cũng đề nghị Hiệp hội có tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật cũng là sự hợp tác tốt với chính quyền thành phố. Sắp tới, thành phố sẽ có địa chỉ cụ thể để doanh nghiệp bất động sản "gọi đến" khi gặp khó khăn.
124 dự án "án binh bất động" vì thanh tra, kiểm tra
Ông Nguyễn Thành Phong thông tin, hiện thành phố có khoảng 15.000 doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.
Trong năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực này chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Trong đó, riêng ngành xây dựng chỉ đạt 1%, tỷ trọng đóng góp cho GRDP thuộc hàng thấp nhất trong 9 nhóm ngành dịch vụ.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu.
Con số thống kê chỉ ra "sức ì" của "con tàu bất động sản" thành phố trong năm 2019. Cụ thể, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm trước đó; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, một trong những nguyên nhân là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch, đô thị chưa thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Bên cạnh đó, nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy, chưa đảm bảo quy trình liên thông, đồng bộ trong việc giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước. Năm 2019, TPHCM có 124 dự án "án binh bất động" vì liên quan đến thanh tra, kiểm tra.
Quốc Anh