Chủ đòi tăng giá mặt bằng giữa lúc dịch
Câu chuyện quan tâm nhất hiện nay đối với thị trường mặt bằng cho thuê chính là vấn đề giá cả. Nhiều chủ nhà để giữ chân khách thuê hoặc chia sẻ khó khăn do dịch bệnh đã miễn giảm tiền thuê mặt bằng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được miễn hay giảm giá, nhiều khách thuê còn mệt mỏi vì làm ăn đã khó khăn nhưng chủ nhà còn đòi tăng giá. Chị Hoa - chủ một spa làm đẹp đang thuê một căn liền kề ở khu làng Việt kiều châu Âu (Mỗ Lao, Hà Nội) - với giá 35 triệu đồng/tháng. Vị trí căn nhà ở góc đường nên có ưu thế hai mặt tiền.
Đến tháng 12 tới sẽ hết thời hạn hợp đồng đã ký, chị Hoa tính sẽ thương lượng với chủ nhà về mức giá trong hợp đồng mới. Tuy nhiên, chưa kịp đàm phán thì chủ nhà bất ngờ thông báo sẽ tăng lên 40 triệu đồng/tháng. Nếu không đồng ý, chủ nhà sẽ lấy lại mặt bằng.
Tìm hiểu nguyên nhân được biết, hiện mặt bằng nhà chị Hoa đang thuê có một chuỗi siêu thị nhăm nhe "nhảy" vào. Họ sẵn sàng trả giá thuê cao hơn để tìm được mặt bằng phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình.
Nhiều mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố "vật lộn" với đại dịch Covid-19 (Ảnh: Đại Việt).
Giá căn hộ tăng, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền lại giảm
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình bất động sản quý III năm nay.
Về giá giao dịch, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy tại nhiều địa phương do thực hiện giãn cách nên giao dịch bất động sản thành công hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như không có biến động lớn.
Từ đầu năm, giá bán nhà ở các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp đều có xu hướng tăng, càng làm tăng khó khăn về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp (Ảnh: Đỗ Quân).
"Các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý II, trong đó giá căn hộ chung cư (bình dân, trung cấp, cao cấp) giữ giá hoặc vẫn tăng nhẹ khoảng 1 - 2%", Bộ Xây dựng thông tin.
Cũng theo Bộ này, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm khoảng 1 - 2%; giá mặt bằng thương mại cho thuê, căn hộ, nhà ở cho thuê mặt bằng giá giảm chung khoảng 2 - 3%, ngoài ra chủ cho thuê thực hiện hỗ trợ giảm giá trực tiếp 10 - 20 % tùy theo từng điều kiện cụ thể.
Bộ Xây dựng đề xuất gói hỗ trợ tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cụ thể, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng bao gồm: Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng cho biết, kiến nghị này nhằm góp phần thực hiện "mục tiêu kép" mà Chính phủ đã đề ra, đó là đảm bảo an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp).
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Tỉnh tự quyết chuyển đất lúa, đất rừng: Cần tăng thanh tra, gắn trách nhiệm
Quốc hội vừa tiến hành thảo luận dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Nội dung trao quyền tỉnh tự quyết chuyển đất lúa, đất rừng đưa tại dự thảo nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất trồng lúa 2 vụ trở lên là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu để mất đi thì khó có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Do đó, đại biểu đề nghị cần hết sức "thận trọng khi xem xét quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng 2 loại đất này". Bà Kim Anh cũng cho rằng Chính phủ phải xây dựng cơ chế thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra để đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải được HĐND cấp tỉnh xem xét, cân nhắc, quyết định khi không còn phương án lựa chọn nào khác.
Doanh nghiệp bất động sản không cần hỗ trợ tiền, chỉ mong cơ chế để bật dậy
Phát biểu tại buổi tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do báo Người Lao động tổ chức ngày 28/10, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định thị trường có khả năng tự phục hồi sau đại dịch. Doanh nghiệp không cần hỗ trợ tiền, chỉ cần được tháo gỡ cơ chế chính sách để có thể bật dậy mạnh mẽ như lò xo bị nén chặt.
Theo ông Châu, một trong những vướng mắc lớn về pháp lý với các dự án bất động sản là câu chuyện đất công xen cài. Vấn đề này đã phần nào được tháo gỡ thông qua các quy định từ cấp Trung ương ban hành cuối năm 2020. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện trong thực tế tại các địa phương còn chậm.
Chủ tịch HoREA nhấn mạnh khi hồ sơ dự án bị ách tắc, nguồn cung dự án, sản phẩm trên thị trường sẽ sụt giảm. "Giá tăng liên tục vừa do quy luật cung cầu, vừa do thể chế và thực thi pháp luật", ông Châu chia sẻ.
TS Trần Du Lịch cho rằng bất động sản là một trong những lĩnh vực có thể dẫn dắt sự phục hồi của kinh tế (Ảnh: HMC).
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, kiến nghị trong chương trình phục hồi kinh tế trung hạn, thị trường bất động sản phục hồi sẽ là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của kinh tế TPHCM.
Theo TS Lịch, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần các nhóm chính sách khơi thông môi trường đầu tư, kinh doanh. Dẫn lại thông tin của HoREA TPHCM có tới hơn 100 dự án bất động sản tồn đọng, cần được gỡ khó, ông Lịch cho rằng điểm khó là mỗi dự án lại có điểm vướng khác nhau, cần hướng xử lý khác nhau. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh dù khó khăn cũng phải quyết liệt tháo gỡ vì đây là bước khởi động đầu tiên để thị trường phục hồi.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)